Thứ ba 05/11/2024 11:50

Nhiều vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử

Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều vụ vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử được phát hiện trên cả nước.
Quảng Ninh: Thương mại điện tử giúp sản phẩm OCOP mở rộng thị trường Thiếu logistics, thương mại điện tử khó phát triển

Các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng thu hút hàng triệu người tiêu dùng với đa dạng mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngày 13/10, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổ công tác số 3- Đội Quản lý thị trường số 14 đã phát hiện website www.ruousaigon.com.vn có hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website, thông tin hàng hóa. Với vi phạm như trên, chủ website bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 25,5 triệu đồng.

Cùng ngày, qua trinh sát nắm tình hình địa bàn, tổ công tác số 1 - Đội Quản lý thị trường số 14 cũng đã phát hiện website https://worldfishing.vn đã có hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng cũng như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm gồm : 1.120 cái lưỡi câu các loại, không hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá niêm yết 5.000 đồng/cái. Với hành vi trên, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 19 triệu đồng.

Trước đó, ngày 10/10, thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế ( Công an tỉnh Long An) cho biết, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội “ Sản xuất hàng giả”. 3 bị can trên là chủ của shop chuyên kinh doanh, buôn bán dầu gió nhãn hiệu nước ngoài (Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc) trên sàn thương mại điện tử Shopee có tên: “Mũm Shop - Chuyên Dầu Gió”.

Nhiều vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử
Gần 30.000 chai dầu gió giả mạo đã được lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng của 3 bị can trên. Ảnh: CA

Quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật gần 30.000 chai dầu các loại giả mạo nhãn hiệu EAGLA BRAND MEDICATED OIL (trong đó có 21.000 chai đã thành phẩm, còn lại đã bơm rót chất lỏng vào chai nhưng chưa dán tem nhãn).

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ tại căn nhà nhiều nguyên vật liệu, máy móc phục vụ cho việc sản xuất hàng giả gồm: 110.000 vỏ chai dầu; 1,8 tấn vỏ hộp dầu; 630 chai dầu đã chứa nước dầu chưa đóng nắp chai; 183kg tem dán...

Đặc biệt, đầu tháng 10 vừa qua, hơn 10 ngàn chai nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok "Phan Thủy Tiên" với hơn 4 triệu lượt theo dõi đã bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ tại tầng 1, CT3, Tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông Công Văn Trung làm Tổng giám đốc.

Nhiều vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ trên 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu Tiktok tại kho hàng của Tiktoker "Phan Thủy Tiên". Ảnh: Quyên Lưu

Quá trình kiểm tra, đại diện phía công ty không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp cho các sản phẩm trên.

Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook đã được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý, trong đó có cả việc kiểm tra xử lý đối với những hot girl bán hàng nổi tiếng như Mai Ly..., chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Dù vậy, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường dùng nhiều thủ đoạn để lách luật, chẳng hạn như lập nhiều tài khoản trên các nền tảng khác nhau, sử dụng hình ảnh của sản phẩm chính hãng để quảng bá, nhưng bán hàng giả với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường.

“Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các phương pháp tinh vi như thay đổi tên thương hiệu khi đăng bán. Ví dụ, thay vì ghi tên thương hiệu nổi tiếng như "Dior" hay "Gucci", họ sẽ biến tấu thành "D.I.O.R" hay "Gu.ci" để tránh bị các sàng lọc kỹ thuật phát hiện”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin.

Trước nhiều thủ đoạn tinh vi, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nói chung cũng như hoạt động livestream nói riêng.

Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Tổ Thương mại điện tử và chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 319).

Với những biện pháp giám sát chặt chẽ, kiểm tra nghiêm ngặt, và sự quyết tâm của Tổng cục Quản lý thị trường, tin rằng trong thời gian tới, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ được giảm thiểu, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Tin khác

Phiên bản di động