Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2025 có gì đặc biệt? Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê Đắk Lắk trao giải cuộc thi tuyên truyền lễ hội cà phê |
Thách thức hậu ghi danh
Thời gian qua, loạt nghề truyền thống đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Trong đó, năm 2024, Bộ này cũng công nhận hàng hàng loạt di sản văn hoá phi vật thể về nghề thủ công, mỹ nghệ như "Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm", "Nghề thủ công truyền thống làm nhà tre, dừa xã Cẩm Thanh" (Hội An); "Nghề làm bánh tráng Túy Loan" (Đà Nẵng)… Mới nhất là công nhận Tri thức trồng cà phê Đắk Lắk (nghề trồng cà phê Đắk Lắk ) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![]() |
Nghề trồng cà phê Đắk Lắk được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Có thể thấy, việc được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia góp phần tạo nên giá trị gia tăng, lan toả thương hiệu cho các nghề truyền thống của các địa phương. Như chính quyền tỉnh Đắk Lắk phấn khởi chia sẻ việc chứng nhận Tri thức trồng và chế biến cà phê của tỉnh Đắk Lắk trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ tôn vinh những giá trị của cà phê mà còn ghi nhận sự đóng góp của những người nông dân, người chế biến đã cống hiến cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Đồng thời, việc công nhận di sản này cũng góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hạt cà phê, giúp người nông dân có cuộc sống ấm no hơn và thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng cà phê. Tỉnh Đắk Lắk không chỉ là điểm đến để trải nghiệm văn hóa, mà còn là nơi để thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động trồng và chế biến cà phê.
Sự phấn khởi này cho thấy, được công nhận di sản là niềm tự hào của cộng đồng, địa phương, tuy nhiên, thách thức bảo tồn và phát huy giá trị hậu vinh danh luôn đặt ra những thách thức lớn. Nhất là phải làm sao duy trì được không gian thực hành của di sản trong cộng đồng, qua đó tạo ra sinh kế bền vững cho cư dân, biến di sản thành tài sản, trở thành nguồn lực kinh tế của địa phương.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã nêu một thực tế, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (AIT) cũng cho rằng, nghề trồng cà phê Đăk Lắk trở thành di sản là một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, việc công nhận di sản là cơ hội để phát triển các mô hình trồng cà phê bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn.
“Tuy nhiên, nghề trồng cà phê cũng đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu, thị trường cạnh tranh và mất mùa. Vì thế, cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý để duy trì và phát triển bền vững, cần có sự hợp tác từ chính quyền, cộng đồng và các tổ chức để đảm bảo rằng nghề này được phát triển một cách bền vững”- ông Quỳnh cho hay.
Bảo tồn di sản cần thấm sâu trong cộng đồng
Từ thực tiễn đầy thách thức hiện nay, để phát huy giá trị của di sản hậu vinh danh cần cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, phải xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng - những chủ thể của di sản bảo tồn và phát huy giá trị. Cũng như cần có những chính sách khuyến khích, nâng cao nhận thức về phát huy giá trị các di sản, gắn với bảo tồn, phát triển bền vững từ cấp quản lý, doanh nghiệp.
Đối với nghề trồng cà phê Đắk Lắk, theo ông Phạm Hải Quỳnh, cần nâng cao kỹ thuật trồng và chế biến cà phê cho nông dân, giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và kinh tế của nghề này. Ngoài ra, phát triển các tour du lịch trải nghiệm tại các vườn cà phê, cho phép du khách tham gia vào quá trình thu hoạch và chế biến cà phê. Điều này không chỉ tạo nguồn thu nhập cho người dân mà còn nâng cao nhận thức về giá trị di sản.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, để tiếp tục xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Lắk địa phương cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm, thiết lập các liên minh giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, từ đó phát triển nghề trồng cà phê một cách bền vững. Thông qua việc tổ chức các lễ hội cà phê để tôn vinh nghề trồng cà phê, thu hút sự tham gia của cộng đồng và du khách, đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu cà phê Đắk Lắk.
Nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy các di sản phi vật thể quốc gia, Nghị định số 39/2024/NĐ-CP cũng đã nêu rõ, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được nêu rõ đó là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường.
“Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk” có tên gọi khác là nghề trồng cà phê Đắk Lắk, đây là loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống. Tri thức trồng và chế biến cà phê được nhận diện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea H’leo, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ. Không gian văn hóa của di sản gồm: không gian trồng cà phê, không gian chế biến cà phê và không gian thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến cây cà phê. Những vườn cà phê (rẫy cà phê) là không gian thực hành, biểu hiện cho tri thức trồng và chế biến cà phê của cộng đồng cư dân. |