Thứ sáu 25/04/2025 15:30

Ngành tôm Đồng bằng sông Cửu Long: Đổi mới để phát triển bền vững

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững.
Vốn cho đồng bằng sông Cửu Long: Nếu ngân hàng thương mại không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn Sắp diễn ra Hội nghị Sơ kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

Thách thức của ngành tôm

Ngành nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào nguồn thu xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống sông ngòi chằng chịt và khí hậu phù hợp, khu vực này từ lâu đã trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất cả nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có khoảng 600.000 ha diện tích nuôi tôm sú và 150.000 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Hằng năm, sản lượng thu hoạch tôm sú đạt khoảng 300.000 tấn, còn tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 700.000 tấn. Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh mẽ tại Đồng bằng sông Cửu Long và góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Các tỉnh trọng điểm nuôi tôm lớn nhất trong khu vực bao gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.

Người dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm thẻ siêu thâm can. Ảnh Báo Bạc Liêu
Người dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm thẻ siêu thâm canh. Ảnh Báo Bạc Liêu

Ngành tôm Việt Nam đóng góp từ 40-45% vào tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, tương đương khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Hiện tại, tôm Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, với năm thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhờ vào những nỗ lực không ngừng, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất tôm lớn nhất của cả nước, chiếm đến 95% sản lượng tôm và cũng là nơi đặt các nhà máy chế biến tôm lớn.

Mặc dù ngành tôm Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng hiện tại ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhận định, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng phải thường xuyên đối diện với “3 biến”. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến động người tiêu dùng. Ngoài ra dịch bệnh gia tăng, chất lượng giống và phương thức nuôi chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường... khiến nhiều hộ nông dân phải đối mặt với tình trạng mất mùa, giảm năng suất.

Trong khi đó, phần lớn các hộ nuôi tôm vẫn áp dụng mô hình nuôi truyền thống, tự phát và manh mún, dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, và các khu chế biến tập trung chưa được đầu tư đầy đủ, khiến chi phí sản xuất cao và hiệu quả kinh tế thấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi các nước xuất khẩu tôm lớn như: Thái Lan, Ecuador và Ấn Độ đều đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt là sự thiếu hụt trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Mặc dù đã có những nỗ lực từ các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu lớn, thiếu sự hỗ trợ tài chính và kiến thức chuyên môn là những rào cản khiến nhiều nông dân chưa sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới. Điều này làm giảm năng suất, đồng thời tăng nguy cơ rủi ro trong sản xuất và xuất khẩu.

Đổi mới để phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo khởi động Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” được tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.

ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định đổi mới sáng tọ là chìa khóa để ngành tôm phát triển bền vững.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định đổi mới sáng tọ là chìa khóa để ngành tôm phát triển bền vững. Ảnh: Văn Kim Khanh

“Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng hệ sinh thái xanh cho tương lai. Đây là con đường tất yếu để ngành tôm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế”, ông Luân nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu đang tăng nhanh, trong khi các phương pháp sản xuất truyền thống không thể đáp ứng kịp thời. Nếu không thay đổi phương thức nuôi trồng tại Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất tôm sẽ khó có thể duy trì đà tăng trưởng.

Ông Chương cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ thành công trong vụ nuôi tôm hiện nay tại Việt Nam chỉ đạt hơn 40%, thấp hơn so với Ecuador (65%). Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ở Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp. Các vấn đề như liên kết sản xuất yếu, sản phẩm giá trị gia tăng thấp cũng đang cản trở sự phát triển của ngành.

Do đó, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới Thành phố sẽ hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.... Đồng thời tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức thường xuyên, giúp quảng bá sản phẩm tôm và mở rộng thị trường tiềm năng.

Ngành tôm Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều khó khăn thách hức, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để hướng đến phát triển bền vững. Dù còn nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chi phí sản xuất cao và quy mô nhỏ lẻ, nhưng tiềm năng của ngành vẫn rất lớn. Việc áp dụng công nghệ cao, cải thiện hạ tầng, xây dựng thương hiệu và tận dụng các hiệp định thương mại tự do là những bước đi cần thiết để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin khác

Phiên bản di động