Cảnh báo sàn tiền ảo mạo danh thương hiệu tập đoàn lớn Nha khoa Sunshine cảnh báo hành vi lừa đảo mạo danh thương hiệu Phát hiện 77 trang web giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo |
Vấn nạn ngày càng phổ biến
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, vấn nạn mạo danh thương hiệu đang ngày càng trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Các hành vi mạo danh không chỉ dừng lại ở việc sao chép tên, logo hay hình ảnh thương hiệu mà còn lan rộng đến giả mạo website, fanpage, sản phẩm, dịch vụ để trục lợi. Đây là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua và đòi hỏi các biện pháp quản lý chặt chẽ.
Theo khảo sát của Báo Công Thương, mạo danh thương hiệu đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng, công nghệ, tài chính đến giáo dục và dịch vụ y tế. Một số hình thức phổ biến bao gồm: Giả mạo thương hiệu trên mạng xã hội và website. Theo đó, các đối tượng lập website, fanpage mạo danh thương hiệu lớn để bán sản phẩm giả hoặc lừa đảo người tiêu dùng như: nhiều trang Facebook giả mạo các thương hiệu mỹ phẩm để bán hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, các đối tượng còn làm nhái logo, bao bì sản phẩm để đánh lừa người mua. Đặc biệt, thời gian gần đây tình trang giả danh thương hiệu ngân hàng, công ty chứng khoán để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Thường xuyên lướt web và mua hàng trên các trang mạng xã hội, chị Hương Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) vô tình bấm vào một đường link bán mỹ phẩm Kiehl's được giới thiệu trên Facebook. Nhìn thấy ảnh giao diện có tích xanh, cộng thêm website giới thiệu có hình ảnh “đã thông báo Bộ Công Thương”, chị tin tưởng đó là sản phẩm chính hãng nên không ngần ngại đặt mua một combo sản phẩm có giá hơn 2,7 triệu đồng cho ba sản phẩm với giá giảm tới 45%.
Khi nhận hàng, chị Mai kiểm tra hàng với bao bì, mẫu mã giống tới 99,9% các sản phẩm hay sử dụng, nên đã chấp thuận thanh toán. Tuy nhiên, khi bắt đầu sử dụng sản phẩm, chị thấy chất lượng không giống như các loại mỹ phẩm Kiehl's thường sử dụng. Ví dụ, dòng sản phẩm serum loãng hơn chứ không đậm đặc, hộp kem bôi retinol có màu tương tự sản phẩm chính hãng nhưng mùi nồng, không thơm...
Nghi ngờ đây là sản phẩm giả, chị Mai đến gian hàng chính hãng của Kiehl's ở Lotte trên đường Liễu Giai (Hà Nội) phản ánh, thì được nhân viên tại đây khẳng định trang mạng mà chị đặt mua không phải của hãng và các sản phẩm của thương hiệu này không có chính sách giảm giá tới 40 - 50%. “Sau khi nghe nhân viên của hãng giải thích tôi mới biết rằng mình mua phải hàng giả, nhưng thật không ngờ bây giờ tình trạng mạo danh các thương hiệu nổi tiếng lại tinh vi đến vậy” - chị Mai bộc bạch.
![]() |
Vấn nạn mạo danh thương hiệu để bán hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Hạ An |
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho thấy, trong tháng 1/2025 hệ thống của đơn vị này đã phát hiện 72 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng. Lũy kế đến hết tháng 1/2025, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia là gần 125.600 địa chỉ.
Trong số 72 website mới được phát hiện, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức nhà nước; và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Nhanh chóng xử lý các tài khoản giả mạo
Nói về hậu quả của hành vi mạo danh thương hiệu, PGS. TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, hành vi này gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Cụ thể, doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Hình ảnh thương hiệu bị tổn hại, mất khách hàng, doanh thu sụt giảm. Nếu sản phẩm giả mạo gây hậu quả xấu, doanh nghiệp chính hãng có thể bị liên lụy.
Cùng đó, người tiêu dùng cũng phải chịu rủi ro không nhỏ. Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Còn với nền kinh tế đất nước, tình trạng mạo danh sẽ khiến môi trường kinh doanh bị méo mó. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, gây mất lòng tin vào thị trường.
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó bao gồm: Lợi nhuận cao, khó kiểm soát. Theo vị chuyên gia, mạo danh thương hiệu giúp các đối tượng dễ dàng trục lợi từ uy tín có sẵn của doanh nghiệp mà không cần đầu tư chất xám hay công sức xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân, doanh nghiệp còn thấp, “nhiều doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng online vì muốn thu hút khách hàng đã cố tình dùng hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng để bán hàng mà không xin phép” - ông Long nói.
Hơn hết là công tác quản lý và chế tài xử lý vi phạm hiện nay chưa đủ mạnh. Các quy định pháp luật về bảo vệ thương hiệu dù đã có nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chưa kịp thời, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe. Đặc biệt là bản thân các thương hiệu chưa thực sự lên tiếng đấu tranh để bảo vệ thương hiệu của mình.
“Còn người tiêu dùng chưa cảnh giác, nhiều khách hàng ham rẻ hoặc thiếu hiểu biết, không nắm rõ thông tin nên dễ bị lừa bởi các sản phẩm, dịch vụ mạo danh” - vị chuyên gia cho hay.
Để ngăn chặn tình trạng mạo danh thương hiệu, theo PGS. TS. Ngô Trí Long cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Theo đó, Nhà nước cần có quy định nghiêm ngặt hơn về bảo vệ thương hiệu, tăng mức phạt, đặc biệt là cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mạo danh nghiêm trọng. Đồng thời, cần siết chặt quản lý trên không gian mạng. Các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cần có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ hơn, nhanh chóng xử lý các tài khoản giả mạo thương hiệu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu của mình. “Các công ty nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, giám sát thị trường, khi phát hiện tình trạng thương hiệu của mình bị giả mạo cần lên tiếng và có biện pháp pháp lý mạnh mẽ” - ông Long khuyến nghị.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức, cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, mua hàng từ nguồn chính thống và báo cáo các trường hợp nghi vấn giả mạo nhãn hiệu với cơ quan chức năng như: Lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
PGS. TS. Ngô Trí Long: Mạo danh thương hiệu là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Việc ngăn chặn và xử lý hành vi này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chủ động từ doanh nghiệp và sự tỉnh táo của người tiêu dùng. Nếu không có biện pháp quyết liệt, tình trạng này sẽ tiếp tục lan rộng, làm suy yếu niềm tin vào thị trường. |