Thứ hai 28/04/2025 08:09

Nâng cao thương hiệu bún Vân Cù

Việc đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ giúp nâng cao thương hiệu bún Vân Cù mà còn thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Thành phố Huế: Bún Vân Cù - Di sản văn hóa quốc gia Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội: Nhiều sản phẩm đặc sắc từ 22 địa phương

Làng nghề có lịch sử hàng trăm năm

Với lịch sử hàng trăm năm, làng Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nghề làm bún.

Bún tươi Vân Cù
Bún tươi Vân Cù. Ảnh: Minh họa

Nghề làm bún Vân Cù đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (vào năm 2014) và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sợi bún Vân Cù màu trắng ngà, mùi thơm như hương gạo mới xay. Điều đặc biệt là không cần ăn kèm cao lương mỹ vị gì, nhiều khi chỉ cần một chén nước mắm chanh tỏi ớt cũng đủ làm thực khách nhớ mãi sợi bún ở ngôi làng ven phía sông Bồ…

Khác với những làng nghề truyền thống khác, các sản phẩm đều có thể để được rất lâu, trở thành hàng lưu niệm. Sợi bún tươi Vân Cù được sản xuất và tiêu thụ trong ngày.

Để làm nên sợi bún ngon, gạo được dùng phải là gạo khang dân (người Huế gọi là gạo ruộng), là loại gạo dùng để nấu cơm khô nổi tiếng ăn không ngán. Gạo được rửa sạch kỹ lớp cám bên ngoài từ 4 - 5 lần, ngâm 2 ngày thì hạt gạo khô ban đầu trở thành dẻo và no nước. Bí quyết đặc biệt là sau khi ngâm xong thì bỏ muối hột sống (thành phần quan trọng để bún bớt bị chua trong quá trình làm mà lại có vị mặn giúp bún ăn ngon, đậm đà).

Sau đó, cho gạo vào cối giã, gạn lọc thành bột khô. Sau khi nấu chín bột, người làm bún phải dùng tay đánh bột nhuyễn thành hồ, sau đó bỏ vào khuôn vặn. Sợi bột sau khi đi qua lỗ khuôn được nhúng ngay vào nồi nước đang sôi, sợi bún từ đó được thành hình. Bước cuối cùng là làm nguội nhanh sợi bún bằng nước lạnh.

Muốn con bún không quá bở cũng không quá dai, người làm bún phải pha thêm bột lọc. Nghề bún không chỉ đòi hỏi ở người làm sức khoẻ mà còn đòi hỏi sự tinh tế trong cách pha chế. Tỷ lệ bột lọc cho vào trong bún không có công thức cụ thể mà đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề.

Đón danh hiệu - nâng thương hiệu

Những năm gần đây, theo chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm (Chương trình OCOP), xã Hương Toàn đã chọn sản phẩm bún tươi Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu bún tươi Vân Cù, thúc đẩy phát triển bền vững cho người dân gắn với hoạt động làng nghề.

Người dân làng nghề truyền thống bún Vân Cù đang sản xuất bún. Ảnh. M.H
Hộ sản xuất làng nghề truyền thống bún Vân Cù. Ảnh. Minh họa

Đồng thời, mở rộng cơ hội để du khách gần xa có cơ hội được thưởng thức đặc sản Huế chính danh thông qua kỹ thuật đóng gói và bảo quản sợi bún ngày càng hiện đại.

Làng nghề truyền thống bún Vân Cù hiện còn 125 hộ sản xuất với 325 lao động thường xuyên làm nghề. Sản phẩm bún tươi của làng có mặt tại hầu hết quầy bán bún ở TP. Huế và vùng lân cận. Hiện mỗi ngày, làng Vân Cù sản xuất từ 25 - 28 tấn bún, trong đó trung bình mỗi hộ sản xuất và tiêu thụ 2 tạ bún/ngày, hộ nhiều nhất lên đến 6 - 7 tạ/ngày. Những dịp lễ tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần.

Nâng cao thương hiệu bún Vân Cù
Lễ đón Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm bún Vân Cù". Ảnh: Ban tổ chức

Ngày 19/2, tại đình làng Vân Cù, xã Hương Toàn, đại diện dân làng Vân Cù đã đón nhận chứng nhận nghề làm bún là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng. Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ giúp nâng cao thương hiệu bún Vân Cù nói riêng, đồng thời phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng nghề làm bún truyền thống Vân Cù.

Vân Cù là làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề làm Bà bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Với việc duy trì cùng những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề và làng thủ công nghề truyền thống, năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là “làng nghề truyền thống”.

Tin khác

Phiên bản di động