Thứ hai 25/11/2024 17:39

Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.
Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP Thái Nguyên Thái Nguyên: Thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công Thái Nguyên: Xuất nhập khẩu nhiều khởi sắc

Cây trồng chủ lực, thế mạnh

Thái Nguyên hiện có 22.200 ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100 ha. Năm 2023, năng suất chè bình quân đạt 126,99 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 267.500 tấn (tương đương 53.500 tấn chè búp khô), giá trị sản phẩm trà đạt 12.300 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên
Các chuyên gia hướng dẫn và hỗ trợ người dân sản xuất chè an toàn theo hướng bền vững - Ảnh: Duy Linh

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, đến hết tháng 1/2024, toàn tỉnh có 194 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên".

Hiện nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ thành công tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một trong những thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước và trên toàn thế giới, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên chia sẻ, việc nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được bảo hộ tại các thị trường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh; hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế và mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè.

Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm chè Thái Nguyên, nhất là trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu, số hóa quản lý sản xuất chè, đảm bảo tiêu chuẩn chè xuất khẩu và lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của từng thị trường…

Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên
Trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Duy Linh)

Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là "Tứ đại danh trà" đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Để tăng năng suất và chất lượng, nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đẩy mạnh trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.

Bình quân mỗi năm, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 500 ha chè, tỷ lệ giống mới đạt 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững…

Qua đó, nâng cao giá trị, uy tín, sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chè từ 1,5 - 2 lần so với trước khi được bảo hộ, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người trồng chè, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sản phẩm chè Thái Nguyên.

Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ (5 ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 60 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017).

Nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia chè Thái Nguyên

Những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của cây chè. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất kết hợp với tạo dựng thương hiệu đã giúp cho sản phẩm chè Thái Nguyên ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.

Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên
5 hợp tác xã chè Thái Nguyên tham gia Triển lãm Quốc tế trà tại Trung Quốc năm 2023. Ảnh: Thanh Phong

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, Thái Nguyên rất quan tâm và phát triển cây chè - cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, nông dân nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn tỉnh có 23.500 ha chè, 85% diện tích chè giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.

Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh được tham gia các cuộc hội nghị giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, triển khai mạnh công tác quản lý sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" đối với sản phẩm chè trên thị trường.

"Cơ hội để chè Thái Nguyên khẳng định vị thế trên thị trường thế giới là rất lớn. Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh cần phải đảm bảo tính ổn định và chất lượng. Bởi hiện nay, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất chè thô, mặc dù sản lượng khá lớn nhưng giá trị đạt thấp, đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ hầu hết các doanh nghiệp khó xâm nhập được hoặc xuất khẩu với số lượng không đáng kể.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn chưa thực sự chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chè về bao bì, mẫu mã nên sức cạnh tranh thấp; việc tìm hiểu thông tin về thị trường nội địa cũng như xuất khẩu chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Tin khác

Phiên bản di động