Lào Cai phê duyệt đề án du lịch trong rừng phòng hộ Sa Pa Lào Cai xếp hạng đỉnh Ngũ Chỉ Sơn là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo vệ di sản văn hóa |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, tại Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL và 1353/QĐ-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 14/5/2025, tỉnh Lào Cai chính thức có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí, huyện Mường Khương và nghề đan lát của người Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên.
Cụ thể, nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí tại huyện Mường Khương được ghi danh thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là nghi lễ mang tính tâm linh đặc trưng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, lòng biết ơn với thiên nhiên và tinh thần bảo vệ rừng của người dân vùng cao. Lễ cúng không chỉ mang ý nghĩa tạ ơn rừng, cầu mùa màng bội thu, bản làng bình an, mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường và giữ màu xanh cho đại ngàn.
Di sản thứ hai là nghề đan lát của người Tày tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, được công nhận thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống. Nghề này gắn bó lâu đời với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, sử dụng nguyên liệu tự nhiên như tre, nứa, giang, mây… để tạo ra nhiều vật dụng sinh hoạt như gùi, mẹt, nia, khóp đựng xôi, mâm cơm, giỏ đựng, dụng cụ đánh bắt cá…
![]() |
Nghề đan lát đã gắn với đời sống của người Tày ở Nghĩa Đô. Ảnh: CTTĐTLC |
Với đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, người Tày ở Nghĩa Đô đã biến nghề đan lát trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Hiện nay, nghề không chỉ được gìn giữ mà còn được phát triển gắn với du lịch cộng đồng, góp phần tạo sinh kế và giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước.
Việc hai di sản được ghi danh không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống trong dòng chảy phát triển bền vững của địa phương.