Chủ nhật 29/12/2024 01:55

Lan tỏa dòng vốn vào nền kinh tế

Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp cũng khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tín dụng vì thế cũng tăng theo.
Ngành Dầu khí - "Đầu tàu" của nền kinh tế Việt Nam Doanh nghiệp lập mới chạm kỷ lục và niềm tin của nhà đầu tư Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD
Lan tỏa dòng vốn vào nền kinh tế
Từ nguồn vốn vay Agribank Tiên Lãng (Hải Phòng), Hợp tác xã Thuấn Lanh đã phát triển lớn mạnh sau 9 năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong bốn tuần của tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Mức tăng trưởng tín dụng đạt được dù thấp hơn con số kỳ vọng là 14%-15% đặt ra từ đầu năm 2023, nhưng đây là sự đột phá của các tổ chức tín dụng trong những tuần cuối năm. Theo đánh giá của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, đây cũng là con số rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng.

Tiếp nối dòng chảy, nguồn vốn tín dụng tiếp tục được hệ thống ngân hàng hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trong những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Thuấn Lanh (thôn Kim Ðới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và các hộ dân liên kết tích cực sản xuất để cung cấp các sản phẩm bán ra thị trường. Với các sản phẩm chủ yếu gồm dưa chuột, ớt, khoai tây, cà chua và gà thịt, HTX đang thực hiện theo mô hình khép kín từ cung cấp cây giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc HTX Hoàng Văn Thuấn chia sẻ, năm 2014, HTX vay của Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng 300 triệu đồng. Ðến năm 2023, HTX mở rộng kinh doanh và số tiền vay đến thời điểm hiện tại đã là 9,7 tỷ đồng. "Với số tiền ban đầu, HTX chủ yếu liên kết với một số hộ dân sản xuất các nông sản với quy mô nhỏ lẻ. Nhưng đến nay, cùng với sự đồng hành của ngân hàng, nguồn đầu tư tăng lên, quy mô của HTX cũng phát triển lớn mạnh. Hiện tại HTX đầu tư gia công 40 trang trại gà thịt, tổng số gà thịt 300 nghìn con với giá trị hiện tại khoảng 30 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm cho hơn 800 hộ dân ở hai xã Tiên Thanh, Khởi Nghĩa", ông Hoàng Văn Thuấn cho biết.

Cùng với HTX Thuấn Lanh, gia đình ông Phạm Văn Nhiêu ở thôn Ðông Ninh (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cũng gắn bó với nguồn vốn tín dụng ngân hàng từ bao lâu nay. Từ 10 triệu đồng vay Agribank để mua giống cá về nuôi năm 1991, trải qua bao thăng trầm, đến nay gia đình ông Nhiêu được biết đến là mô hình nuôi cá khá thành công và cũng là hộ đầu tiên ở Tiên Lãng nuôi cá tầm.

Với 128 lồng cá, riêng tiền thức ăn cho cá ít nhất cũng 40 triệu đồng/ngày nên bên cạnh nguồn vốn gia đình tích cóp, ông Nhiêu tiếp tục vay thêm từ ngân hàng. Cơ sở của ông hiện có 22 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập người mới vào làm là 6 triệu đồng, người cao nhất là 15 triệu đồng. Tổng doanh thu hàng năm lên tới gần 50 tỷ đồng. Với giá cá tầm hiện nay là 220 nghìn đồng/kg, dự kiến dịp Tết Nguyên đán này, gia đình ông thu về khoản lợi không nhỏ.

Nhu cầu vốn tăng lên, các ngân hàng cũng lên kế hoạch ngay từ đầu năm để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. "Năm nay sẽ là năm quyết liệt hành động của ngành ngân hàng để đạt được các mục tiêu điều hành đặt ra", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, chứ riêng ngành ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng. Do vậy, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. "Về phía NHNN, sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích".

Ở góc độ các ngân hàng thực hiện, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Năm 2024, Agribank đề ra chỉ tiêu dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 7%-10%, phù hợp kế hoạch được NHNN phê duyệt.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Ðình Tùng cho hay, bên cạnh tiếp tục giảm lãi suất, ngân hàng sẽ tiếp tục theo sát khách hàng để có cơ chế phù hợp. Khách hàng nào đang khó khăn nhưng vẫn có khả năng phục hồi được thì ngân hàng cố gắng vận dụng cơ chế, thông thoáng hơn trong chuyện giải quyết vay. Chẳng hạn, trước đây khách hàng được vay 70% giá trị tài sản bảo đảm, trong giai đoạn này có thể cho vay 100% hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi. Thậm chí, đối với khách hàng có phương án kinh doanh khả thi, ngân hàng có thể cho vay tín chấp tạo dòng tiền mới cho khách hàng nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

Năm 2024, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình nhận định, hiện một số chỉ số kinh tế đang tốt hơn như lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu hồi phục. Cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế cũng như các biện pháp NHNN đang thực hiện, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm 2023. Và với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn, giới chuyên gia cũng nhìn nhận việc NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay trong những tháng đầu năm 2024.

Khác với mọi năm, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng. Ðây là hình thức mới, thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của NHNN, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn, thúc đẩy tổng cầu.

Ông Phạm Chí Quang

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Tin khác

Phiên bản di động