Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng hấp dẫn du khách Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn: Cơ hội ‘vàng’ quảng bá du lịch Việt Nam |
Cộng đồng - chủ thể quan trọng của du lịch nông thôn
Làng rau Trà Quế, tỉnh Quảng Nam được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới", là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải này trong năm 2024. Làng rau Trà Quế được ghi nhận với những tài nguyên văn hóa và thiên nhiên phong phú, độc đáo. Bên cạnh đó, làng còn được đánh giá cao nhờ cam kết mạnh mẽ và những hành động thực tiễn trong việc tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững, gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Trước đó, vào tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống. Đây là bước đệm quan trọng giúp làng tiếp tục phát huy giá trị di sản, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN |
Làng rau Trà Quế cách khu phố cổ Hội An khoảng 3 km về hướng Đông Bắc, đã tồn tại và phát triển từ thế kỷ XVI. Làng nằm trên đảo, bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế. Thổ nhưỡng lợi thế là đất phù sa pha cát, khí hậu ôn hòa nên người dân phát triển nghề trồng rau hữu cơ lâu đời. Với diện tích khoảng 18 ha, hiện làng có hơn 200 hộ gia đình tham gia sản xuất rau, với trên 320 lao động trực tiếp, cung cấp rau sạch cho nhiều địa phương.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, làng rau Trà Quế là một trong các điểm đến tiêu biểu, đặc sắc về du lịch nông nghiệp, nông thôn của Quảng Nam. Sản phẩm dịch vụ này giúp du khách được hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, tưới nước... và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa. Gần 10 năm qua, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Đề cập đến thành công của mô hình du lịch làng rau Trà Quế cũng như các mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp khách trên địa bàn, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, do địa phương sớm xác định du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch quan trọng cần được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Từ đó, tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, nông thôn mới gắn với phục vụ du lịch tại các vùng nông thôn, miền núi.
Đặc biệt, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp đều được nghiên cứu lập đề án quy hoạch để có định hướng phát triển. Tính độc đáo, khác biệt, chất lượng của sản phẩm du lịch phải được quan tâm hàng đầu và sẽ là một yếu tố tiên quyết khẳng định sức hút, sức sống, thương hiệu của các sản phẩm du lịch nông nghiệp sau này. Ngoài ra, cần tránh sự trùng lắp trong xây dựng sản phẩm du lịch; khai thác nét khác biệt của từng vùng miền để hình thành nên các sản phẩm dịch vụ độc đáo gắn với bản sắc văn hóa.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã có sự vào cuộc, tinh thần trách nhiệm và sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Trong đó, cộng đồng phải thực sự là chủ thể quan trọng và được hưởng lợi trực tiếp từ việc phát triển đó, cùng với đó là tăng cường công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và điều này phải được làm trước.
Đồng thời, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo sản phẩm du lịch nông nghiệp được phát triển bền vững, giữ lại sức hút chính đó là hồn cốt gắn với nét thanh bình của làng quê Việt Nam. Cơ quan chức năng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, mạnh dạn thay đổi, loại những doanh nghiệp, hướng dẫn viên làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng, uy tín đối với du khách; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết sản phẩm, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiếnsản phẩm du lịch nông nghiệp.
Cần cơ chế đủ mạnh để khai phá tiềm năng du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển. Mô hình này thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị và quảng bá, tôn vinh các giá trị độc đáo của địa phương.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá, những năm qua, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành "vùng quê đáng sống", du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng phải đối mặt với với nhiều thách thức. Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường... Điều này đặt ra những yêu cầu trong việc định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam đảm bảo các mục tiêu đề ra cũng như thích ứng với những vấn đề mang tính toàn cầu.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) - cho hay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển loại hình này. Đặc biệt, đây sẽ là sản phẩm giúp tăng tính cạnh tranh, cũng như thương hiệu của du lịch Việt Nam. Vì vậy, khai thác tiềm năng du lịch nông thôn cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm huy động nguồn lực cho loại hình này phát triển.
Theo đó, ông Phạm Hải Quỳnh nêu ý kiến, cần có chính sách ưu đãi, tạo ra cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho các chủ thể tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại các địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đối với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng. Đồng thời, có những quy chế về bảo tồn các giá trị tự nhiên và nhân văn, khuyến khích khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các làng nghề thủ công truyền thống.
Tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tại Quảng Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhận định, các sản phẩm du lịch nông thôn phản ánh nét bình dị, lam lũ của người nông dân được du khách yêu thích và muốn trải nghiệm, đây chính là chiều sâu văn hóa. Du khách muốn được trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của đời sống, con người Việt Nam thân thiện và mến khách. Việt Nam, với 70% dân số ở khu vực nông thôn, được xác định là "vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn".
Để thu hút khách, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, cần giải quyết một loạt vấn đề gồm hạ tầng, chính sách, làm mới sản phẩm cũng như đảm bảo nét đặc sắc, tiêu biểu. Đồng thời, để phát triển bền vững, phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, giữ bản sắc văn hóa của từng làng, từ đó hình thành các sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một giải pháp khác là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối các làng và thông qua công cụ này để quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến. "Chỉ có con đường bằng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên nghiệp hơn chứ không phải tự phát như vừa qua" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.