Du lịch Hà Nội: Định vị điểm đến hấp dẫn, ưu tiên phát triển dịch vụ cao cấp Du lịch thủ đô: Con số "đẹp" và những trăn trở |
Thông tin về tình hình du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - Nguyễn Hồng Minh cho biết, năm 2024, tất cả các chỉ tiêu phát triển du lịch Thủ đô đều tăng trưởng tốt. Ước tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023; khách quốc tế ước đạt 6,35 triệu lượt, tăng mạnh 34,4% so với năm 2023, đứng đầu các tỉnh, thành phố, tương đương mức 36,3% của cả nước. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, với những kết quả đạt được, ngành du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi được hoạt động như năm 2019.
Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn. Ảnh: TTXVN |
Thời gian qua, Hà Nội không chỉ là điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu của Việt Nam mà còn liên tục được các tổ chức, kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều lần được xếp hạng là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, bội thu giải thưởng quốc tế như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 (Tổ chức giải thưởng Golf thế giới)…
Có được sự tôn vinh danh giá trên có thể nói nhờ vào việc ngành du lịch Hà Nội xác định được tầm nhìn chiến lược và định hướng dài hạn, trong đó đã đặt mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, chất lượng hấp dẫn không chỉ của khu vực và thế giới... Đồng thời, Hà Nội đã quyết liệt, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến; không ngừng liên kết để cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới cùng thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu.”
Theo Sở Du lịch Hà Nội, các thông tin, dữ liệu về du lịch Thủ đô được cập nhật liên tục trên website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Các hình thức truyền thông đa dạng trên sóng đài truyền hình quốc gia, các nền tảng số, trang web, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok)… được triển khai đã tạo sức lan tỏa, hấp dẫn du khách. Đặc biệt, các videoclip, bài thuyết minh các điểm đến du lịch tại Hà Nội chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đáng chú ý, để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm Thủ đô bằng các sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm khách hàng cũng như tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực xây dựng và cho ra mắt chuỗi sản phẩm du lịch “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”. Hiện, 16 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đang có sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp 4.0, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thành phố trong việc triển khai tích cực công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch, thúc đẩy xúc tiến, truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch đêm ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, UBND Thành phố đã công nhận 50 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố, trong đó có 42 điểm du lịch 8 khu du lịch cấp thành phố. Một số điểm du lịch hiện đã được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch Thủ đô như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Bát Tràng, Hồng Vân...
Về cơ sở lưu trú, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú du lịch với 71.256 phòng, trong đó có 91 khách sạn, khu căn hộ trong thời hạn xếp hạng từ 1 - 5 sao với tổng số 12.147 phòng. Ước thực hiện năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62%; tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển cũng như khẳng định thương hiệu du lịch thủ đô, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - Nguyễn Hồng Minh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo sớm ban hành Thông tư hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật về lĩnh vực: Bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên; tổ chức khảo sát, thu thập dữ liệu, tài liệu, điều tra tài nguyên du lịch để làm cơ sở cho các địa phương triển khai chương trình điều tra tổng thể tài nguyên du lịch.
Bên cạnh đó, sớm dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung kết nối với hệ thống của các địa phương; xây định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động chuyển đổi số. Có chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các nội dụng: Xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội kiến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch để định vị thương hiệu dịch vụ du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao.