Thứ năm 28/11/2024 01:37

Hàng hoá Việt gặp 'rào cản' từ chính sách xanh khi tiếp cận thị trường EU

Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn đang đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng.
Kazakhstan sẽ là cầu nối để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Trung Á Chính thức thông quan hàng hóa Việt - Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An)

Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là động lực lớn thúc đẩy thương mại song phương. EU hiện đang là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn dưới tác động tích cực, lan tỏa của Hiệp định EVFTA.

Mặc dù có những lợi thế lớn nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, dự báo xu hướng này của EU cũng sẽ được các nước phát triển, các thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chú trọng, tăng cường siết chặt, tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn xanh mới đối với hàng hóa trong thương mại quốc tế.

Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP). Kế hoạch này đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức mới từ chính sách xanh của EU
Doanh nghiệp đối mặt với thách thức mới từ chính sách xanh của EU. Ảnh: T.G

Chia sẻ về tác động của kế hoạch này tới các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU tại toạ đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/11, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hội nhập với thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay.

Theo đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phải chuyển đổi, bởi yêu cầu của thị trường có tính quyết định, nếu không đáp ứng được thì rất khó để có thể tiếp cận được thị trường mong muốn. "Để thích ứng, chúng tôi cũng đã bắt đầu có định hướng và buộc tất cả các doanh nghiệp chuyển đổi các lò hơi nước đốt than chuyển sang dùng lò hơi điện. Như vậy, vừa giảm được ô nhiễm và giảm được các chi phí về nhân công phục vụ cho cả hệ thống những lò hơi nước" - ông Dương nói.

Bên cạnh đó, theo ông Dương, 13 nhà máy thuộc công ty đang hướng tới triển khai 100% điện áp mái; giảm và tái chế giẻ vụn thông qua áp dụng 100% máy cắt tự động; chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền, chắc và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chí xanh, tuần hoàn.

"Tôi cho rằng, kinh tế tuần hoàn đang tạo ra "lực ép" các doanh nghiệp phải thay đổi nhằm đạt hiệu quả kinh tế hơn. Cũng giống như việc, trước đây chúng ta chỉ chú trọng và bán hàng truyền thống, song, hiện nay, tất cả đều đã phải mở rộng thêm bán hàng trực tuyến như một xu hướng tất yếu" - ông Dương nói.

Đánh giá tác động của CEAP đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp tự soi mình trong thời gian qua và để định hướng cho sự phát triển trong tương lai".

Tuy nhiên, theo TS. Mai Thanh Dung, khó khăn hiện nay liên quan đến thay đổi tư duy, suy nghĩ trong nếp sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt là nguồn lực tài chính để thay đổi cả công nghệ, thay đổi cả quy trình sản xuất, phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị…, phải chi phí tốn kém cho quy trình sản xuất của mình theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đấy là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp.

Cũng theo TS. Mai Thanh Dung: "Việt Nam cũng đã có những quy định về kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đưa các quy định vào Luật Bảo vệ môi trường cũng tham khảo và lấy cái gốc từ những quy định của châu Âu về kinh tế tuần hoàn, tức là nó phải từ khâu thiết kế sản phẩm cho đến những khâu tiêu dùng và cả vòng đời của sản xuất. Điều này đã tạo nhiều thuận lợi cho phía Việt Nam và cho các doanh nghiệp".

Điểm nữa để phát triển Luật bảo vệ môi trường về nội dung kinh tế tuần hoàn hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn cho quốc gia và hiện đã trình Thủ tướng.

"Đây là một nền tảng rất tốt để các bộ, ngành, các địa phương hướng đến thực hiện những giải pháp kinh tế tuần hoàn và các doanh nghiệp cũng có cơ sở pháp lý vững chắc" - TS. Mai Thanh Dung nói.

Cũng theo TS. Mai Thanh Dung, chuyển đổi xanh đang trở thành xu thế chung và tất yếu. Đặc biệt, các điều khoản quy định của EU đưa ra đối với các hoạt động sản xuất theo hướng xanh sẽ càng ngặt nghèo hơn so với hiện tại, bởi chất lượng cuộc sống sẽ ngày càng được quan tâm.

Theo đó, đề cập giải pháp, TS. Mai Thanh Dung nhấn mạnh, thứ nhất, để thúc đẩy sự tăng trưởng của hàng Việt vào thị trường EU, Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách rõ hơn để các doanh nghiệp thực hiện những biện pháp về kinh tế tuần hoàn. Các bộ, ngành cần có những hướng dẫn về các tiêu chuẩn cụ thể để doanh nghiệp tham khảo, áp dụng.

Thứ hai, cần hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn vốn. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng, đó là tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Đấy là văn bản hết sức quan trọng để các doanh nghiệp có thể huy động được các nguồn vốn từ các ngân hàng hướng tới xanh hóa trong sản xuất.

Đồng thời, TS. Mai Thanh Dung khuyến nghị, doanh nghiệp thường xuyên phải cập nhật những thông tin vì đây là những quy định chính sách của EU. Để thâm nhập được thị trường EU thì các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược cụ thể, chi tiết. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu được điểm mạnh, yếu của mình để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và lựa chọn mua gì, bán gì đối với từng thời điểm, thị trường cụ thể.

Tin khác

Phiên bản di động