Vận hội mới cho ngành du lịch tàu biển Việt Nam Du lịch tàu biển: Đan xen giữa cơ hội và thách thức Triển vọng từ du lịch tàu biển trong năm 2024 |
Du lịch tàu biển nhộn nhịp đầu năm 2025
Ngay đầu tháng 1/2025, nhiều địa phương đã liên tiếp đón các đoàn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế… Trong đó, ngày 1/1, chuyến tàu biển du lịch Noordam, Hà Lan đã chở 2.000 khách du lịch quốc tế, chủ yếu là du khách đến từ châu Âu, châu Mỹ cập Cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng. Đoàn du khách đã có 2 ngày tham quan những điểm đến nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, biển Mỹ Khê và khám phá thành phố bằng xích lô.
![]() |
Khách du lịch tàu biển đến Huế vào tháng 1/2025. Ảnh: ĐM |
Mới đây (ngày 9/1), Sở Du lịch Thành phố Huế cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức Chương trình đón chuyến tàu du lịch Anthem Of The Seas đưa 4.455 khách du lịch mang quốc tịch Anh, Úc, Mỹ cập cảng Chân Mây. Ngay khi cập cảng Chân Mây, gần 2.000 khách mua tour du lịch, rời cảng và tham quan các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực ở Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam trong 1 ngày. Riêng ở Huế, có hơn 500 khách đến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như Đại Nội, Lăng Vua Tự Đức, chùa Thiên Mụ.
Việc liên tiếp đón các đoàn khách du lịch quốc tế bằng đường biển là tín hiệu rất tích cực, hứa hẹn một năm khởi sắc của du lịch tàu biển Việt Nam. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại đã có 49 chuyến tàu du lịch với 99.998 lượt khách và 39.212 thuyền viên đã đăng ký cập cảng Chân Mây, Huế trong năm 2025. Đối với tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm hiện tại đã có 60 chuyến tàu biển đăng ký cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, dự kiến mang theo khoảng 90.000 khách du lịch đến Quảng Ninh trong năm 2025. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường biển năm 2025 cũng được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh.
Lợi thế để Việt Nam phát triển du lịch tàu biển
Việt Nam là một quốc gia ven biển, được thừa hưởng rất nhiều vịnh, đảo và các bãi biển đẹp. Đồng thời, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi Bắc - Nam, nằm gần với các trung tâm cảng biển du lịch hiện đại trên thế giới như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực. Đây chính là lợi thế để Việt Nam phát triển du lịch đường biển và thu hút tàu quốc tế ghé thăm.
Du lịch tàu biển là loại hình dịch vụ cao cấp, đối tượng khách chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có khả năng chi trả cao. Để thúc đẩy hoạt động du lịch tàu biển, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển, giảm cảng phí cho các tàu vào Việt Nam định tuyến hoặc nhiều lần, mở cửa đảo Phú Quốc và Côn Đảo cho khách nước ngoài vào tham quan du lịch, miễn visa cho khách du lịch đến đảo Phú Quốc trong vòng 15 ngày, giảm lệ phí visa cho khách tàu biển (áp dụng như khách quá cảnh 5USD/1 khách),…
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của khách du lịch loại hình này. Đến nay, cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa như cảng Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Tiên Sa, Chân Mây… Các tuyến đường nối khu vực cảng tới trung tâm thành phố cũng đã được đầu tư, mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi hơn cho khách tàu biển.
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, tổng lượng khách quốc tế trong năm 2024 đạt 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4% tổng lượng khách quốc tế. Khách đến bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2%. Khách đến bằng đường biển đạt gần 248,1 nghìn lượt người, chiếm 1,4%. Khách tàu biển du lịch Việt Nam đến từ nhiều thị trường khác nhau như Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là ở các thị trường gần như Trung Quốc và ASEAN.
Trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473 ngày 30/12/2011 khẳng định: Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. |