Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia cần bắt đầu từ đâu? Danh sách doanh nghiệp và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua các kỳ xét chọn |
Các thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị, chỉ số sức mạnh thương hiệu, mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Theo Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022). Trong tốp 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023 thì viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có nhiều đóng góp vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỷ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...
Ở lĩnh vực thực phẩm, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk hiện là thương hiệu có giá trị cao nhất và cũng là thương hiệu quốc gia sở hữu danh hiệu lớn này trong 14 năm liền từ 2010 đến 2024. Danh hiệu này tiếp nối chuỗi thăng hạng về thương hiệu đầy ấn tượng trong năm nay ở cả trong và ngoài nước của Vinamilk như thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và tiềm năng nhất toàn cầu với định giá 3,0 tỷ USD (Brand Finance), thương hiệu giá trị cao nhất trong ngành F&B (Forbes Việt Nam).
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Điều hành Công ty Vinamilk Bùi Thị Hương cho biết: "Thương hiệu Vinamilk luôn tìm kiếm sự đổi mới và sáng tạo, dựa trên những giá trị cốt lõi đã xây dựng, để không chỉ tiếp tục khẳng định được giá trị thương hiệu tại Việt Nam, mà còn góp phần tích cực mang thương hiệu quốc gia Việt Nam đi ra thế giới”.
Cũng theo báo cáo của Brand Finance, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những thách thức kinh tế bằng cách triển khai số hóa và cải thiện dịch vụ khách hàng. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là thương hiệu mạnh nhất trong lĩnh vực ngân hàng với xếp hạng sức mạnh thương hiệu cải thiện từ AAA lên AAA . Giá trị thương hiệu tăng vượt bậc thêm 43%, đạt 1,9 tỷ USD, tăng ba bậc lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Tiếp đến là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có giá trị thương hiệu tăng mạnh ở mức 69%, đạt 1,4 tỷ USD và là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất...
Báo cáo về việc thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, giai đoạn 5 năm từ 2019 đến 2023 là 102%.
Kết quả trên thể hiện tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam khi đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tiếp tục xây dựng và lan tỏa thương hiệu
Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã thực hiện rất tốt việc quảng bá đưa thương hiệu doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam ra toàn cầu. Danh sách thương hiệu mạnh ở Việt Nam được thế giới biết đến ngày càng dài. Mặt khác, các thương hiệu Việt Nam rất chú ý đến phát triển thương hiệu bằng cách tự đo lường để khắc phục hạn chế, gia tăng sức khỏe thương hiệu.
Tuy nhiên, ngoài các doanh nghiệp lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông trong việc xây dựng và lan tỏa thương hiệu. Điều này không chỉ bảo đảm về mặt lợi ích mà còn là yếu tố không thể thiếu trong phát triển bền vững.
Theo bà Đặng Thúy Hà, bước đầu tiên các thương hiệu tiếp cận khách hàng là cho họ sự nhận biết về thương hiệu của mình, bước này không thể thiếu truyền thông. Vì vậy, doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được đối tượng tiêu dùng là ai, từ đó xác định được cách tiếp cận qua kênh nào. Ví dụ, với các bạn trẻ hiện nay cách truyền thông truyền thống chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng kênh online qua Facebook, TikTok... Tuy nhiên, chỉ việc tìm ra tiếp cận kênh truyền trông nào là chưa đủ mà quan trọng là ý tưởng ra sao, phương thức truyền tải như thế nào.
Một yếu tố nữa, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho truyền thông thương hiệu nhưng để tăng tính hiệu quả trong marketing, quảng bá còn cần đo lường sức khỏe thương hiệu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp biết được đâu là câu chuyện chiến lược, cần tập trung vào đối tượng nào, nói gì, cần rút kinh nghiệm gì trong đưa ra kế hoạch truyền thông, kênh truyền thông hay nội dung truyền thông để phù hợp với khách hàng mục tiêu.
Để xây dựng thành công thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà khuyến cáo, đối với mỗi thị trường, điều đầu tiên doanh nghiệp phải hiểu những yếu tố riêng về văn hóa, vùng miền, yếu tố liên quan đến nhóm khách hàng, động lực tiêu dùng và phân tích về đối thủ. Từ đó, xem thế mạnh của bản thân doanh nghiệp là gì trong số đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là nắm bắt khách hàng cần gì và đang được thỏa mãn như thế nào bởi các thương hiệu khác.