Hành trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua hai thập kỷ Đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024 |
Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam value) là một trương trình được khởi xướng từ năm 2003 do chính phủ Việt Nam giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) phối hợp với các bộ ngành triển khai lựa chọn và tôn vinh các thương hiệu nội địa nhằm xây dựng hình ảnh, tăng cường nhân biết và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam gắn với 3 giá trị chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.
Ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia đến năm 2010.
Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để thực hiện chương trình hiệu quả, Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ thông qua Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Đồng thời xây dựng, ban hành nhiều Thông tư quy định hệ thống tiêu chí, hướng dẫn cách thức tham gia, bình chọn...chương trình Thương hiệu quốc gia.
Năm 2008, Bộ Công Thương bắt đầu tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần đầu với 30 doanh nghiệp, việc xét chọn được thực hiện định kỳ mỗi 2 năm. Qua 20 năm với 8 lần tổ chức xét chọn, số doanh nghiệp tham gia và có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia ngày càng tăng lên, quy mô tổ chức cũng được mở rộng, bài bản hơn, phù hợp với tình hình mới. Đến năm 2022, đã có 172 doanh nghiệp được chọn với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng lên hàng năm |
Theo đánh giá của Brand Finance – Hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại Vương quốc Anh, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và đến năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Brand Finance cũng nhận định trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp tăng trưởng giá trị nhất Việt Nam với mức tăng trưởng về giá trị cao nhất là 36% (trong khi đó, mức tăng trưởng của Singapore là 22%, Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%). Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có sj góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hoà Phát, Vietnam Airlines,…
Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022. (Ảnh VietnamPlus) |
Trên cơ sở những kết qủa đạt được ngày 08/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 với mục tiêu:
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước;
- Góp phần tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;
- Trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam;
- Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;
- 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư;
- 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bộ Công Thương tiếp tục được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, quản lý chương trình.