Giá cước vận tải biển lại tăng cao kỷ lục trong khủng hoảng Biển Đỏ Nguy cơ giá cước vận tải biển vượt mức 20.000 USD, tác động đến thương mại toàn cầu |
Giá cước vận tải biển tăng trung bình 30% trong những tuần qua bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời đề nghị siết lại công tác quản lý phí, phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và đất nước.
Doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất. Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi EU hiện nay trên dưới 4.000 - 5.000USD/container, tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000 - 7.000USD, tăng gấp đôi so với trước. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 - 2.000USD/container.
Thông thường, Công ty Thuận Phước chi trả luôn cước vận tải và phải ký hợp đồng với các hãng tàu trước từ 6-7 tháng hoặc cả năm. Vì vậy, cước vận tải biển tăng cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp gần như không có, thậm chí chịu lỗ, ông Lĩnh cho biết. Không chỉ vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng lâu hơn từ 7 - 10 ngày, làm đảo lộn các kế hoạch sản xuất và giao nhận hàng với đối tác.
“Mặt hàng rau quả giá trị hơn 22.000USD/container nhưng cước tàu biển đi Los Angeles (Mỹ) có thể lên 8.600USD. Doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận khi giá cước vận tải biển tăng”, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ. Cước tàu biển tăng cũng khiến giá thành mặt hàng rau quả tăng theo, trong vòng 2 tháng tăng trên 100%, ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký kết.
Nguồn: ITN |
Theo Tổng Giám đốc Vina T&T Group, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, Việt Nam chưa có các hãng tàu riêng nên doanh nghiệp rất bị động. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mong muốn giá cước bình ổn về giá ban đầu để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các nước khác; ông Tùng cũng cho rằng, về phía Nhà nước cần có chính sách, giải pháp nào đó để các hãng tàu có thể giảm giá cước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Bạch Khánh Nhựt xác nhận, hiện doanh nghiệp xuất khẩu ở bất cứ ngành hàng nào cũng đều chịu thiệt vì giá cước tàu biển tăng. “Rất mong Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương sớm trao đổi, đàm phán với chủ các hãng tàu về vấn đề này để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Bạch Khánh Nhựt đề xuất.
Tìm giải pháp gỡ khó khăn
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
FIATA là tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực logistics, tập hợp 114 hiệp hội logistics quốc gia, có phạm vi hoạt động tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 60.000 doanh nghiệp trên thế giới có liên quan. |
Trong thư, Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh vai trò của FIATA là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, Bộ trưởng mong muốn ông Turgut Erkeskin và FIATA có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên.
Trong đó có thể bao gồm đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này. Ngoài ra, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết, chi phí vận tải biển quốc tế bao gồm hai phần: cước vận chuyển và phí, phụ phí mà các hãng tàu thu của các chủ hàng Việt Nam. Có những lúc phí, phụ phí còn cao hơn phần cước vận chuyển, vì vậy, nếu quản lý tốt phí và phụ phí sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Theo phản ánh của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Không chỉ vậy, các hãng tàu tăng phí một cách thiếu căn cứ, cơ sở, chưa tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Mức phí tăng cũng cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho rằng, đã đến lúc siết lại công tác quản lý phí, phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Hiện nay các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng. Hệ quả là các hãng tàu tăng thu phụ phí khiến các doanh nghiệp rất bức xúc, song đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để. Cần nghiên cứu về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế, có thể yêu cầu họ muốn tăng phí phải được sự đồng thuận từ cơ quan quản lý, từ phía hiệp hội, sau đó mới được ban hành, ông Hiệp đề nghị.