Thứ hai 25/11/2024 23:20

Cơ hội để ngành công nghiệp dược Việt Nam chuyển mình

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mở ra những cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.
Xác định rõ ưu đãi đầu tư, phát triển công nghiệp dược Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét chính sách phát triển công nghiệp dược Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nêu rõ, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Công nghiệp dược - Ảnh: USTH
Phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn - Ảnh: USTH

Tại Điều 8. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược quy định, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Với dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư.

Cụ thể bao gồm: Nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm; nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, so với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có 7 nhóm điểm mới cơ bản. Trong đó, chính sách của Nhà nước về dược được tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Luật bổ sung một số quy định mang tính đột phá hơn so với Luật Dược năm 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc như chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; chính sách áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

Chính sách giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất; chính sách chuyển đổi số trong các hoạt động về dược; xác định quy mô dự án thuộc lĩnh vực dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi, đưa các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, tạo hành lang pháp lý cho các hình thức, phương thức kinh doanh mới, đó là: Quy định cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc là một loại hình cơ sở kinh doanh dược riêng biệt, điều kiện kinh doanh, quyền và trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc, nổi bật là quyền luân chuyển thuốc và quyền luân chuyển người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc; quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, cụ thể, bổ sung quy định phương tiện điện tử, loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; bổ sung quyền, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức này.

Theo các chuyên gia, thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023; ngành công nghiệp dược của nước ta có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp dược vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới", PGS Truyền nhận định.

Trên thực tế, Việt Nam mới chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA…). Hơn 200 nhà máy đạt WHO, GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (WHO pre-qualification).

Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; chủ động sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế...

Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự...

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý.

Cùng với việc, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ mở ra những cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp dược trong nước. Các doanh nghiệp dược cần sớm tận dụng thời cơ, phát huy nội lực để vươn lên.

Tin khác

Phiên bản di động