Thứ bảy 21/12/2024 23:23

Chuyển đổi xanh nhìn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp gỗ

Để phát triển theo hướng xanh, bền vững, việc chuyển đổi số, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất, giảm phát thải là những yếu tố bắt buộc.
Doanh nghiệp "đi trước đón đầu" đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU Doanh nghiệp cảng biển sớm chuyển đổi xanh

Quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam hiện mới ở mức 2% là quá khiêm tốn so với 98% "nền kinh tế nâu" vẫn chiếm lĩnh thị trường. Để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn ra thị trường thế giới, thích ứng bối cảnh mới đòi hỏi hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần tăng tốc trong cuộc đua toàn cầu hoá.

Để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm của một doanh nghiệp đã chuyển mình chuyển đổi xanh thành công, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Lâm Việt (chuyên sản xuất đồ gỗ nội và ngoại thất xuất khẩu, hiện nhiều sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Anh và châu Âu) để hiểu hơn về vấn đề này.

Chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu nếu các doanh nghiệp muốn tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Là doanh nghiệp thích ứng với chuyển đổi xanh khá nhanh, ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp mình khi chuyển xanh hoá trong hoạt động sản xuất và kinh doanh?

Chuyển đổi xanh nhìn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp gỗ
Ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Lâm Việt. Ảnh: Đỗ Nga

Công ty Cổ phần Lâm Việt (Lâm Việt) là doanh nghiệp vừa và nhỏ với 800 công nhân viên, nhà xưởng rộng 65.000m2. Sau hơn 10 năm hoạt động, năm 2022, chúng tôi chính thức biết đến các thuật ngữ như chuyển đổi xanh, sản xuất xanh. Thời điểm đó đây là những khái niệm vô cùng mới mẻ.

Cho đến năm 2023, chúng tôi bắt đầu để ý nhiều hơn về chuyển đổi xanh, vì khi đó có thông tin các đơn hàng về ngành dệt may chuyển từ Việt Nam sang Bangladesh ồ ạt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Bangladesh đã có khoảng hơn 200 nhà máy có chứng chỉ sản xuất xanh (LEED) và thêm 500 doanh nghiệp cũng đang nộp hồ sơ để đạt chứng nhận này. Điều này, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt bị bỏ lại cuộc chơi thương mại nếu không chủ động thích ứng cuộc đua xanh hoá.

Trong lúc đó, ngành gỗ cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, đơn hàng trong ngành nói chung và Công ty Lâm Việt nói riêng sụt giảm rất nhiều. Thị trường Mỹ, thị trường châu Âu lạm phát, giá cả tăng cao. Cùng với đó là vô vàn khó khăn nội tại trong nhà máy như tuân thủ các quy định chuyển đổi xanh, phòng cháy chữa cháy,… Trong điều kiện đó, chúng tôi vô cùng lo lắng, hoang mang vì chưa hề biết gì về chuyển đổi xanh và những trăn trở liệu ngành gỗ có giống ngành dệt may?

Không thể "ngồi chờ", chúng tôi đã tham khảo những nước đi trước và thử kiểm kê phát thải khí CO2. Năm 2023, chúng tôi tiến hành kiểm kê khí nhà kính phạm vi 1 và 2. Khi có báo cáo kết quả khí nhà kính, chúng tôi thấy được, để thực hiện tốt chuyển đổi xanh chính là việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Theo đó, đến nay, Lâm Việt đang thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được áp dụng tại Lâm Việt?

Sau khi trao đổi với chuyên gia, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp làm sao tiết kiệm năng lượng cho một nhà máy gỗ? Theo đó, chúng tôi đã lựa chọn 3 nhóm chính: Nhóm 1, xác định các quy định quản lý nội vi trong nhà máy như các quy định tiết kiệm điện,… Nhóm 2, gắn hệ thống giám sát sử dụng năng lượng ở những máy sử dụng tốn điện năng… Nhóm thứ 3 là giải pháp nhanh và chiếm % nhiều nhất, đơn cử nếu như Lâm Việt gắn 1MW năng lượng mặt trời thì có thể giảm được 1.000 - 1.200 tấn CO2 thải ra môi trường.

Chuyển đổi xanh nhìn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp gỗ
Nhiều sản phẩm của Lâm Việt đã được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Anh và châu Âu nhờ kịp thời chuyển đổi xanh. Ảnh: Lâm Việt

Đáng mừng, trong suốt quá trình từ khi thành lập đến nay, Lâm Việt đã không ngừng đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất. Ví dụ, công ty thực hiện chuyển đổi số từ năm 2005 khi đạt chứng nhận FSC CoC (là bằng chứng chứng minh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với con người và xã hội). Lâm Việt là 1 trong 5 công ty đầu tiên trong ngành nội thất có chứng chỉ này.

Năm 2011, Lâm Việt khởi động viết phần mềm ERP (là phần mềm quản lý doanh nghiệp tổng thể mang đến giải pháp giúp doanh nghiệp Việt quản lý và hoạch định nguồn lực); Năm 2012 tham gia khóa đào tạo dự án phát triển doanh nghiệp bền vững (Score) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Đến 2014, công ty sản xuất thớt gỗ để tận dụng phế phẩm. Như vậy có thể thấy, Lâm Việt đã khai thác cơ hội của chuyển đổi xanh một cách nhanh chóng nhờ tư duy số.

Vậy theo ông cốt lõi của chuyển đổi xanh là gì?

Hiện các quốc gia đối tác đều hướng đến xuất khẩu xanh và phát triển bền vững và đi sâu hơn với riêng các doanh nghiệp về nội thất sẽ là các quy định về quản lý rừng bền vững. Trong năm 2025, các nước châu Âu sẽ tiếp tục áp dụng loạt đạo luật mới về chống phá rừng. Nếu như trước đây, các danh mục liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi tuần hoàn và chuyển đổi carbon thấp là tự nguyện thì giờ đều đã chuyển hướng sang thành những yêu cầu bắt buộc.

Tôi nhận thấy chuyển đổi xanh cần bắt đầu từ tư duy số, thông qua việc tối ưu hóa sử dụng nguồn lực (giảm tiêu hao nguyên liệu, tăng năng suất lao động); truy xuất thông tin dễ dàng (giải trình chính xác, phản biện kịp thời cho các vụ kiện phòng vệ thương mại); truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu.

Cuối cùng, câu chuyện chuyển đổi xanh hay dấu chân carbon cũng là bao nhiêu tấn CO2/đơn vị sản phẩm. Nếu chúng ta làm cho doanh nghiệp mình tốt hơn, hiệu quả hơn cũng là đang góp phần chuyển đổi xanh, chứ không phải chỉ riêng giảm phát thải khí nhà kính mới là chuyển đổi xanh.

Để phát triển theo hướng xanh, bền vững thì việc chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Ông có kiến nghị và đề xuất giải pháp gì nhằm xanh hoá chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp hiện nay?

Đúng vậy, để chuyển đổi thì rất cần tài chính, như việc lắp các hệ thống năng lượng mặt trời ở Lâm Việt cũng vậy. Chính vì thế, tôi đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ pháp lý, vốn, lãi suất ưu đãi, quỹ xanh cho các nhà máy đầu tư công nghệ trong sản xuất và quản lý. Các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại đẩy mạnh tập huấn cho doanh nghiệp để nâng cao kiến thức, truyền thông, lan tỏa tư duy chuyển đổi xanh là cơ hội, không phải là thách thức. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tiêu chuẩn quy định mới rất nhiều nhưng nếu các công ty có tư duy đúng, hướng đến chuyển đổi số, minh bạch về nguồn gốc, đáp ứng đạt chuẩn về khí thải carbon… thì đây lại là lợi thế kinh doanh để cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp khác.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Tin khác

Phiên bản di động