Thứ bảy 23/11/2024 15:18

Chè Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ

10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chè Việt Nam chiếm ưu thế tại thị trường Đài Loan Tháng 1/2024, chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 16 thị trường

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 10/2024 tăng trở lại, đạt 14,47 nghìn tấn, trị giá hơn 26 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 13,7% về giá trị so với tháng 9/2024; tăng 20,2% về lượng và tăng 19,9% về giá trị so với tháng 10/2023.

Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt 1.817 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 9/2024, nhưng giảm nhẹ 0,3% so với tháng 10/2023.

Chè Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ
10 tháng, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá bình quân chè xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam đang là nước xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới và nhu cầu nhập khẩu chè tại các thị trường lớn đều có xu hướng tăng trong năm 2024.

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cụ thể, Pakistan tăng 17,6% về lượng và tăng 27,2% về giá trị. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 2,5% về lượng và tăng 6,7% về giá trị. Trung Quốc tăng mạnh 249,5% về lượng và tăng 114,5% về giá trị. Indonesia tăng 56,2% về lượng và tăng 60,3% về giá trị… Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Iraq giảm mạnh 49,5% về lượng và giảm 46,3% về giá trị.

Tại Việt Nam, tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang...

Việt Nam hiện đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, nhưng sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 156 nghìn tấn, tăng trung bình 0,83%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè được sản xuất trên cả nước.

Theo nghiên cứu từ Research and Markets, thị trường chè toàn cầu đạt 52,7 tỷ USD trong năm 2023, dự kiến sẽ đạt 70,19 tỷ USD vào năm 2028. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.

Đi cùng với nhu cầu tăng cao, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, chè cao cấp uống tại nhà, chè có lợi cho sức khoẻ, chè pha lạnh… được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới. Với lợi thế về sản xuất, Việt Nam nắm trong tay kho "vàng xanh” quý hiếm, tăng cơ hội chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 70,19 tỷ USD.

Tin khác

Phiên bản di động