Thứ sáu 09/05/2025 13:24

Cảnh giác với 'vấn nạn' hàng nhái thương hiệu

Không chỉ các thương hiệu nước ngoài lớn, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đang bị làm nhái và tiêu thụ trên thị trường.
Nhiều thương hiệu thời trang bung ưu đãi ‘Phá kho đón Tết’ Xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP Thương hiệu Mắm Lê Gia – Hành trình kiên tâm

Cuối tháng 9/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra Trung tâm Thương mại Saigon Square phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ… không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 30 vụ vi phạm tại Trung tâm Thương mại Saigon Square, tạm giữ 968 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng; xử phạt với số tiền hơn 223,5 triệu đồng.

Cảnh giác với vấn nạn giả thương hiệu
Yến sào Khánh Hòa - Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ảnh: Vietrade

Không chỉ những thương hiệu thời trang nước ngoài bị giả, nhái thương hiệu được tiêu thụ với giá rẻ bất ngờ mà ngay cả những thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu quốc gia trong nước cũng bị tương tự.

Như sản phẩm yến sào Khánh Hòa của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa là một điển hình.

Theo bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty, năm vừa qua, đã phát hiện trên 30 đơn vị, sao chép mẫu mã, bao bì, thành phần sản phẩm; 15 công ty ở Tp. Hồ Chí Minh sử dụng tên “Yến sào Khánh Hòa" để đặt nhãn hiệu sản phẩm; 10 website chứa tên miền "Yensaokhanhhoa". Tất cả những điều này đều nhằm làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đó là sản phẩm chính hãng của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa để trục lợi bán hàng kém chất lượng.

Không riêng các cửa hàng tạp hóa, chợ, nhà thuốc, siêu thị mini ở Khánh Hòa mà tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng bày bán các sản phẩm yến sào kém chất lượng, nhái bao bì mẫu mã mà Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đăng ký bảo hộ như: Sananest, Safanest, Saminest, Quacare, Salanest Pro, Wondernest, Onnest, KingNest, RicaNest...

Việc làm và tiêu thụ sản phẩm nhái thương hiệu với chất lượng thấp là hành vi lừa dối người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp. Do vậy, thời gia qua lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an… đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, tiến hành xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

Được biết, trong thời gian tới, khi lực lượng quản lý thị trường được chuyển về địa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như công an, hải quan, thanh tra để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường sẽ có đủ công cụ và nguồn lực để xử lý các hành vi vi phạm triệt để và hiệu quả.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bằng việc triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm, nhất là trong việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Tăng cường giám sát và kiểm tra những mặt hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao về hàng giả, để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và giảm thiểu vi phạm. Điều này góp phần phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Từ đầu năm tới nay, lực lượng quản lý thị trường đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thương hiệu.

Tin khác

Phiên bản di động