Xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam có hoạt động gì? Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo |
Định hình thương hiệu từ sự khác biệt
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 sáng 16/4, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của đổi mới sáng tạo trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo ông Chiến, mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung là luôn hướng tới sự khác biệt, thể hiện tính sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và thể chế riêng.
![]() |
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. |
“Việc xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn gắn chặt với yếu tố văn hóa tiêu dùng. Không thể coi đây đơn thuần là hoạt động nghiên cứu hàn lâm, mà cần phải là quá trình kiến tạo giá trị thực tế. Từ đó, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để đổi mới thực sự hiệu quả và mang tính dẫn dắt? Khán giả – chính là người tiêu dùng – là nhân tố trung tâm giúp doanh nghiệp đổi mới và phát triển”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, các doanh nghiệp thuộc chương trình Thương hiệu quốc gia có mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) trung bình đạt 2,62% doanh thu, cao hơn mức trung bình cả nước (1,6%), song vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Tính theo tỷ trọng GDP, Việt Nam hiện chỉ dành khoảng 0,4% cho R&D – thấp hơn Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều tích cực là 100% doanh nghiệp trong chương trình đều có bộ phận R&D và thường xuyên cải tiến sản phẩm; hơn 80% doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu được ứng dụng thực tiễn hàng năm.
![]() |
Các đại biểu quốc tế đến tham dự sự kiện. |
Trong giai đoạn 2020–2022, đã có khoảng 800.000 sản phẩm mới được tung ra thị trường từ khối doanh nghiệp này, trong khi tỷ lệ chung toàn nền kinh tế chỉ dưới 30% doanh nghiệp có sản phẩm đổi mới.
Những con số này cho thấy, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo nếu muốn nâng cao vị thế và giá trị thương hiệu quốc gia. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này có thể kể đến như VinFast, Duy Tân, Vicosap, Mytaz và MISA – những đơn vị đi đầu trong việc tích hợp công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
Cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò then chốt
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là công cụ marketing mà đã trở thành yếu tố chiến lược quyết định vị thế của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực để duy trì và phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Là một doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, những năm qua, Công ty Nhôm Nam Sung đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín thương hiệu trong mắt đối tác và người tiêu dùng.
Chia sẻ với Báo Công Thương, bà Đoàn Thị Kiều Thanh - đại diện Công ty Nhôm Nam Sung cho biết: “Với triết lý ‘Vì người Việt, nâng tầm nhôm Việt’, Nhôm Nam Sung đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, quản lý chất lượng và môi trường, đồng thời liên tục đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
![]() |
Bà Đoàn Thị Kiều Thanh - đại diện Công ty Nhôm Nam Sung. |
Đặc biệt, theo bà Thanh, để nâng cao uy tín doanh nghiệp trên thị trường, Nhôm Nam Sung đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa và thân thiện môi trường; tăng cường đào tạo đội ngũ nhân sự; siết chặt quy trình quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế; đổi mới thiết kế sản phẩm; phát triển các dòng nhôm kỹ thuật cao; và định hướng phát triển thương hiệu theo hướng xanh – bền vững.
Chia sẻ thêm với Báo Công Thương, ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA – khẳng định: Thị trường quốc tế đang ngày càng biết đến Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản và có chiều sâu.
“Việt Nam hiện đang sở hữu lực lượng doanh nghiệp sáng tạo, có khả năng tự lực vươn lên, nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn, rất cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có trọng tâm và ưu tiên rõ ràng. Đặt ra mục tiêu lớn chính là yếu tố đầu tiên để thúc đẩy sáng tạo bởi khát vọng lớn sẽ dẫn đến hành động quyết liệt, trong khi những mục tiêu thấp dễ khiến mọi nỗ lực dừng ở mức trung bình”, ông Lê Hồng Quang cho biết.
Chia sẻ thêm về chiến lược nội bộ, ông Quang cho biết, MISA luôn chủ động tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, tích cực đổi mới mô hình kinh doanh và học hỏi thực tiễn từ thị trường. Không còn tâm lý e ngại như trước, doanh nghiệp nay đã sẵn sàng đổi mới, thử nghiệm và tiếp thu cái mới.
Cùng với đó, doanh nghiệp đã xây dựng các cơ chế đánh giá và bộ chỉ số nội bộ, nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân sự công nghệ có thể chủ động quản lý hiệu quả năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa nhấn mạnh: “Đổi mới chỉ thật sự hiệu quả khi người thực hiện hiểu rõ chu trình vận hành và sẵn sàng đối mặt với thách thức thực tế”.
![]() |
Ông Lê Hồng Quang (giữa) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa. |
Khẳng định vai trò trung tâm của yếu tố con người trong giai đoạn phát triển hiện nay, ông Quang cho biết, nếu trước kia mô hình sản xuất chủ yếu dựa vào điện lực và tài nguyên, thì ngày nay, công nghệ số và sáng tạo cá nhân là nền tảng then chốt. Đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động.
Với định hướng rõ ràng từ Đảng và Nhà nước về việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một mũi nhọn chiến lược, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát huy tối đa nội lực sáng tạo của người Việt.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Đánh giá vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò then chốt, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn ở khả năng khẳng định bản sắc, uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Xây dựng thương hiệu quốc gia là quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là động lực then chốt, quyết định sự thịnh vượng của doanh nghiệp và quốc gia”, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến khẳng định, đồng thời cam kết Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong hành trình nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. |