630 sản phẩm có mặt trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh Quảng Ninh: Thương mại điện tử giúp sản phẩm OCOP mở rộng thị trường |
Thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Muốn thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, phải phát huy được vai trò của logistics, bởi nếu có nhu cầu mà không có đơn vị vận chuyển thì nhu cầu đó sẽ chỉ nằm trên giấy.
Thương mại điện tử tăng 16 - 30%/năm
Ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết như vậy tại Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức mới đây. Để có được kết quả đó, Nhà nước đã rất quan tâm tới phát triển thương mại điện tử, kinh tế số thông qua ban hành hàng loạt chính sách liên quan, ông Ninh xác nhận.
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP |
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải bổ sung, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cũng tăng trưởng mạnh. Năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 111,3 tỷ USD, đến năm 2022 tăng lên hơn 732 tỷ USD, năm 2023 đạt 683 tỷ USD; 6 tháng đầu năm nay đạt trên 360 tỷ USD. Tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với giá trị gần 30 tỷ USD; 6 tháng đầu năm nay xuất siêu 9 tỷ USD… Nhờ khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, xuất nhập khẩu đã hình thành xung lực mới, đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới.
Theo ông Hải, đóng góp vào kết quả tích cực đó là bởi bên cạnh các phương tiện truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương, việc phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số đã đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Thương mại điện tử mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện trải nghiệm khách hàng… Thực tế cho thấy, tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Các chuyên gia nhận định, trong vòng 2 - 3 năm tới, nếu không tham gia vào cuộc chơi tất yếu của thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp sẽ trở nên lạc hậu.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19.4.2022) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm. Để cụ thể hóa được mục tiêu này, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những chìa khóa quan trọng.
Ông Hoàng Ninh cho biết, theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 được Bộ Công Thương xây dựng, một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Mục tiêu cụ thể là phát triển nhân lực trong thương mại điện tử, với 70% cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành liên quan thương mại điện tử; một triệu lượt học viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử… Muốn vậy, “chúng tôi rất mong có sự đồng hành của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp”, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Chính sách công, Amazon Global Selling Vietnam Phạm Duy Hưng đề xuất, để thúc đẩy thương mại điện tử, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực, bởi kinh nghiệm của những nước có thương mại điện tử phát triển đều chú trọng vào vấn đề này. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới thông qua cơ chế bảo hộ, xây dựng thương hiệu ở thị trường quốc tế. Một yếu tố quan trọng nữa là cần có chính sách cho phát triển logistics. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… có hệ thống kho vận logistics đều ở gần, kết nối hợp lý với khu vực sản xuất tập trung, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến xuất khẩu.
Khi ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 đòi hỏi càng cụ thể càng tốt, gắn với phát triển logistics, quy hoạch logistics gắn với hạ tầng giao thông cũng như quy hoạch khu vực sản xuất, ông Hưng nêu ý kiến.
Chia sẻ với ý kiến trên, Trưởng ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) Cao Cẩm Linh cho rằng, muốn thương mại nói chung, thương mại điện tử nói riêng phát triển thì phải có logistics thực hiện, bởi nếu có nhu cầu mà không có đơn vị vận chuyển thì nhu cầu đó chỉ nằm trên giấy tờ. Do đó, cần tập trung cho logistics. Hiện, VALOMA đã tiến hành tập huấn cho các địa phương về quy trình thương mại trên nền tảng điện tử cũng như quá trình vận hành, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.