Thứ năm 19/12/2024 22:16

Đẩy mạnh quy trình sản xuất , nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Việt Nam

Hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu chè Việt Nam và nâng cao chất lượng là rất quan trọng,
Tạo “lực đẩy” cho ngành chè Xuất khẩu chè, cách nào gia tăng miếng bánh thị phần?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 120,31 nghìn tấn, trị giá 211,93 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu chè bình quân trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Pakistan là thị trường xuất khẩu lớn nhất. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang thị trường này chiếm tới 34,7% tổng lượng và 41,2% tổng kim ngạch xuất khẩu chè cả nước. Tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 10,3% về lượng và 10,1% về kim ngạch

Đáng chú ý, 10 tháng năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng mạnh, chiếm 9,5% tổng lượng và 7,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam (cùng kỳ năm 2023 chiếm 3,5% tổng lượng và 4,7% tổng kim ngạch).

 Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ
Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: NH

Các doanh nghiệp nhận định, năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu chè, với nhiều thị trường tăng mua từ 50% đến 230%. Họ kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng cuối năm đạt kỷ lục, có thể cả năm vượt qua mốc 229 triệu USD của năm 2011. Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85.000 tấn chè, thu về 157 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000ha. Loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh thành thuộc khu vực trung du, miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300ha), Lâm Đồng (10.800ha), Hà Giang (21.500ha), Phú Thọ (16.100ha)...

Hiện nay, Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao. Trong đó, có hơn 30 giống chè cho năng suất và chất lượng tốt và sản xuất nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như chè xanh sợi, chè xanh viên, chè xanh bột, chè ô long, chè đen OTD, chè đen CTC và các sản phẩm từ chè shan tuyết.

Theo Hiệp hội chè Việt Nam, ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững và áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế. Một trong những điểm mạnh của Việt Nam là có thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho sự phát triển của cây chè, với nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như Thái Nguyên, Sơn La và Lâm Đồng.

Hiện nay, Việt Nam có gần 20.000 ha chè shan rừng, trong đó nhiều khu vực có cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đóng góp vào chất lượng sản phẩm chè chất lượng cao như tại Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang và Tà Xùa (Sơn La).

Để mở rộng thị phần chè trên thị trường quốc tế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành chè Việt Nam đã tập trung hơn vào nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Việt Nam có lợi thế về sản xuất chè với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi, vì vậy việc nâng cao năng suất và chất lượng chè là điều cần thiết.

Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn giúp hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược khai thác những rừng chè hàng ngàn năm tuổi, đây là một lợi thế lớn để phát triển hình ảnh, thương hiệu chè cao cấp của Việt Nam, dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng tại những thị trường khó tính.

Ngoài ra, ngành chè cũng cần chú trọng sản xuất các sản phẩm chè hữu cơ, chè an toàn, lưu ý quy trình chế biến và đóng gói hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, tăng cường quảng bá thương hiệu chè Việt Nam ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chè uy tín để giới thiệu sản phẩm và kết nối với đối tác tiềm năng.

Để nâng cao chất lượng và giá trị cho ngành chè Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ngành chè hướng tới việc có hơn 70% diện tích chè được chứng nhận sạch và an toàn, bao gồm các tiêu chuẩn như hữu cơ, GAP, và VietGAP.

Đồng thời, diện tích chè đặc sản cũng sẽ được mở rộng, với mục tiêu đạt khoảng 34,5 nghìn ha và sản lượng khoảng 290.000 tấn. Việc bảo tồn và phát triển các vùng chè shan tuyết cũng là một trong những ưu tiên quan trọng, nhằm sản xuất chè hữu cơ và các sản phẩm chế biến giá trị cao.

Ngành chè cũng cần phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự báo, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ đạt 156.000 tấn vào năm 2030, trong đó có sự chuyển hướng tích cực từ chè đen sang chè xanh.

Tin khác

Phiên bản di động