Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số hướng đến nhà máy thông minh Đà Nẵng: Nhân rộng livestream bán hàng tại các chợ truyền thống |
Từ tem QR truy xuất nguồn gốc đến mã QR Code thanh toán
TP. Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong cả nước trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với thương mại bán lẻ, tại các chợ truyền thống, chuyển đổi số đã được ngành Công Thương Đà Nẵng triển khai từ sớm với chương trình dán tem QR code truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Người tiêu dùng có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi mua hàng tại các chợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng |
Cụ thể, từ năm 2019, TP. Đà Nẵng triển khai thí điểm dán mã QR truy xuất nguồn gốc đối với các thực phẩm tại các chợ Hàn, chợ Cồn và dần nhân rộng ra các chợ truyền thống trên toàn thành phố.
Qua gần 5 năm triển khai, nhiều người tiêu dùng thành phố dần quen với việc quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Chợ Hàn – chợ điểm du lịch của TP. Đà Nẵng mỗi ngày đón hàng nghìn khách du lịch đến tham quan mua sắm. Tại đây, gần 200 quầy hàng kinh doanh các mặt hàng công nghệ thực phẩm, hàng thực phẩm khô, gia vị đều có dán tem QR truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho biết, khi quét mã QR truy xuất nguồn gốc khách hàng sẽ nắm được thông tin về hộ kinh doanh, ngành hàng, tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ đó, làm tăng tính minh bạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Nhiều khách du lịch cũng rất cẩn thận, họ quét mã, kiểm tra thông tin, đối chiếu với sản phẩm rồi mới mua hàng”, tiểu thương Nguyễn Thị Lan (kiot 146 chợ Hàn) nói. Bà Lan cũng cho hay, nhiều khách sau khi mua hàng về làm quà đã liên hệ trở lại đặt sản phẩm vì tin tưởng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm.
Sau dán tem truy xuất nguồn gốc, dưới sự tác động của dịch Covid – 19 thay đổi thói quen của người tiêu dùng, trong đó có việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Từ sự hỗ trợ của các đơn vị thanh toán trung gian, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và các quận huyện đã triển khai tập huấn, hỗ trợ tiểu thương làm quen và sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, phổ biến nhất là quét mã QR thanh toán.
Hầu hết các tiểu thương tại các chợ Đà Nẵng đều có mã QR thanh toán |
Đến nay, hầu như tất cả tiểu thương ở các chợ loại I, II, III trên địa bàn thành phố đều đã có mã QR thanh toán thuận lợi để người tiêu dùng sử dụng. “Nhiều lúc đi chợ mua có nhiều hàng hóa hơn dự tính hay không mang đủ tiền mặt thì cũng đã có mã chuyển khoản. Rất tiện lợi. Bây giờ ngoại trừ mua một số loại mặt hàng ít tiền thì tôi dùng tiền mặt, còn lại tôi đều chuyển khoản”, chị Lê Thị Thanh (38 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho hay.
“Khách hàng mua xong có thể thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản. Nhiều khách mua quen rồi thì đặt hàng qua điện thoại rồi tôi đặt giao hàng đến, họ chuyển khoản thanh toán, vừa an toàn lại tiện lợi, nhanh chóng”, tiểu thương Nguyễn Thị Huyền (kiot 16 chợ Hàn) cho hay.
Livestream bán hàng song song bán hàng trực tiếp
Tiểu thương Hoàng Thị Nga Mi (lô 51, đình 1, chợ Đống Đa) vừa thực hiện phiên live bán hàng trực tuyến đầu tiên trên nền tảng facebook với sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp từ chuyên gia về thương mại điện tử. Bà Nga Mi cho biết, xu hướng mua sắm online đang ngày càng phổ biến mang lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với các tiểu thương tại các chợ truyền thống thì đó là một thách thức vô cùng lớn. “Lượng khách hàng của tôi đã giảm rất mạnh trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây khi có sự bùng nổ của thương mại điện tử. Tôi cũng hiểu rằng đó là xu hướng chung, bởi chính tôi và gia đình tôi cũng chuyển sang mua sắm online. Vì vậy, tôi cũng phải thích ứng, nếu không muốn mãi trong tình trạng ế ẩm”, bà Nga Mi chia sẻ và thông tin thêm: “Thấy họ livestream bán hàng và chốt đơn các kiểu mình cũng ham lắm, nhưng chưa mạnh dạn làm. Vừa rồi Sở Công Thương Đà Nẵng và Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng tổ chức tập huấn, có mời chuyên gia về “cầm tay chỉ việc” trực tiếp mở phiên live vừa hướng dẫn vừa làm mẫu bán hàng giúp tôi nắm trình tự các bước và tự tin hơn cho lần mở live sắp tới”.
Tiểu thương Hoàng Thị Nga Mi được các chuyên gia thương mại điện tử hướng dẫn livestream bán hàng |
Theo Ths. Nguyễn Thanh Phương – Chuyên gia về thương mại điện tử, chợ truyền thống đang bị ‘hụt hơi’ trong cuộc đua thu hút khách hàng khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, cũng như bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Tuy nhiên, chợ truyền thống không chỉ là nơi kinh doanh mà còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Vì vậy, dù sẽ bị tụt giảm về khách, nhưng chợ truyền thống vẫn sẽ tồn tại.
Mặt khác, Ths. Nguyễn Thanh Chương cũng cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, và tiểu thương các chợ Đà Nẵng bắt buộc phải thích ứng nếu muốn phát triển, nhất là đối với các mặt hàng như quần áo, giày dép, thực phẩm khô các loại… “Các tiểu thương tại các chợ cần phải tận dụng lợi thế của các ứng dụng nền tảng số để phát triển thêm mảng thương mại điện tử như livestream bán hàng, bán trên các sàn thương mại điện tử, song song với bán hàng trực tiếp, có như vậy mới có thể thu hút được khách hàng và cạnh tranh được với các kênh bán lẻ khác”, Ths. Nguyễn Thanh Chương nói và khẳng định, các tiểu thương vốn đã có kỹ năng giao tiếp, bán hàng, việc còn lại là cần hỗ trợ tiểu thương đưa được những kỹ năng này lên nền tảng số.
Theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, hiện Sở đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao nhận thức cũng như hướng dẫn tiểu thương từng bước chuyển đổi số trong kinh doanh thông qua các hỗ trợ trực tiếp để bán hàng trực tuyến, từ đó, nâng cao năng lực và phát triển bền vững.