Thứ bảy 19/04/2025 20:44

Cần Thơ: OCOP - chắp cánh nâng tầm giá trị, thương hiệu

Trong những năm qua, chương trình OCOP tại Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản địa phương và thương hiệu cho sản phẩm.
Cần Thơ: Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông TP. Cần Thơ: Chợ hoa Xuân 2025 có gì hấp dẫn? Chiêm ngưỡng biệt thự dát vàng tại TP. Cần Thơ

Phong phú sản phẩm OCOP

Trong những năm qua, TP. Cần Thơ đã ghi dấu ấn trong việc phát triển chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), giúp nâng cao giá trị nông sản và cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Năm 2020, Cần Thơ có 4 sản phẩm OCOP đầu tiên tại quận Thốt Nốt được công nhận đạt hạng 3-4 sao. Trong đó, mắm cá tra của ông Chương Văn Khanh và rượu mận Sáu Tia của ông Nguyễn Phú Tia đạt hạng 4 sao; bánh tráng dừa của bà Đặng Thị Bích Tuyền và bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu đạt hạng 3 sao.

Cuối năm 2020, thành phố có tổng cộng 19 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ nông, thủy sản như mắm cá tra, khô cá tra, rượu mận, bánh tráng dừa, nước ổi lên men, trà mãng cầu, bột gạo lứt đậu đỏ và nhiều sản phẩm khác.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xem sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Một thành viên Hygie & Panacee.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ xem sản phẩm OCOP của Công ty Hygie & Panacee. Ảnh: Khánh Trung

Đến năm 2024, UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cho 27 sản phẩm mới và tái chứng nhận thuộc các quận Ninh Kiều, Thốt Nốt và huyện Thới Lai.

Kết quả, quận Ninh Kiều có 12 sản phẩm, bao gồm trà 5 thứ đậu, bột gạo lứt mè đen - đậu đen xanh lòng và các sản phẩm bánh sầu riêng độc đáo của Công ty TNHH MTV 9 Sạch. Quận Thốt Nốt có 12 sản phẩm từ Công ty TNHH MTV Minh Đức Thành, tập trung vào các sản phẩm cá sấy, da cá trứng muối và cá lóc sấy khô. Huyện Thới Lai đóng góp 3 sản phẩm như lêkima sấy dẻo và mãng cầu xiêm sấy muối.

Đến cuối năm 2024, Cần Thơ có tổng cộng 198 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao, bao gồm 95 sản phẩm hạng 3 sao và 103 sản phẩm hạng 4 sao. Đặc biệt, 2 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao đã được trình Hội đồng Đánh giá Quốc gia. Chương trình OCOP đã tạo động lực mạnh mẽ cho các cá nhân và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Biến” rau thành trà

Một trong những sản phẩm nổi bật tại Cần Thơ trong khuôn khổ chương trình OCOP là “dược trà” hòa tan - một dòng sản phẩm trà dược liệu từ nông sản, giúp các cây rau vốn bình dị trở thành sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế cao. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Hygie & Panacee, do chị Đoàn Thị Hồng Thắm (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) sáng lập và làm giám đốc.

sản phẩm của Công ty TNHH Hygie & Panacee
Công ty TNHH Hygie & Panacee hiện có 14 sản phẩm trà hòa tan

Chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực này, chị Hồng Thắm cho biết, đam mê dược liệu từ nhỏ, chị quyết tâm hiện thực hóa ước mơ trở thành sinh viên ngành Dược của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, chị được nhiều người biết đến khi nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc ho từ thảo dược thiên nhiên Eugica nổi tiếng.

Năm 2019, nhận thấy xu hướng thị trường ưa chuộng mặt hàng chăm sóc sức khỏe, chị Thắm thực hiện dự án “Khai thác và nâng tầm giá trị dược liệu từ nông sản Việt”. Với mong muốn đồng hành cùng nông dân miền Tây, chị Thắm đã phát triển các sản phẩm trà từ rau, củ, quả quen thuộc như rau om tía, rau diếp cá, củ đinh lăng và gừng mật ong.

Nhìn thấy cảnh “sáng rau chiều rác”, khi mặt hàng rau ế ẩm đến cuối ngày phải đổ bỏ, thôi thúc tôi ứng dụng công nghệ dược liệu vào các loại rau. Qua đó, không những giúp nâng cao giá trị của nông sản mà còn kéo dài thời gian cho rau củ. Các nông sản sau khi được chế biến thành trà hòa tan, có thể nâng cao giá trị vì kéo dài được thời gian sử dụng từ 1 ngày lên 18 tháng; dễ vận chuyển nên có thể xuất khẩu sang thị trường các nước....”, chị Thắm chia sẻ.

Cần Thơ: OCOP - chắp cánh nâng tầm giá trị, thương hiệu
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm chia sẻ về sản phẩm "dược trà" Hygie & Panacee

Là một doanh nghiệp khởi nghiệp còn khá non trẻ nhưng Công ty Hygie & Panacee đã ghi dấu ấn với hàng loạt giải thưởng danh giá. Khởi đầu từ dự án khởi nghiệp “Sản xuất dược trà - khai thác giá trị dược liệu từ nông sản”, dự án đã được giới khoa học đánh giá cao nhờ tính sáng tạo và giá trị hữu ích, góp phần phát triển nguồn tài nguyên bản địa.

Cụ thể, năm 2020, giải nhất “Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp”; năm 2021, giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long”; năm 2022, giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Hiện công ty có 14 sản phẩm trà hoa tan, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao (có 2 sản phẩm OCOP tiêu biểu có tiềm năng 5 sao). Năm 2024, các sản phẩm của doanh nghiệp được vinh danh là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Các sản phẩn OCOP không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phàn xây dựng thương hiệu địa phương.
Các sản phẩn OCOP không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương

Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, dược sĩ Hồng Thắm cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời nâng tầm sản phẩm lên tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản rất ưu chuộng các sản phẩm của công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, hợp tác chặt chẽ với các hợp tác xã để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng. Việc kêu gọi đầu tư sẽ giúp chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Sự thành công của sản phẩm “dược trà” hòa tan không chỉ là minh chứng cho sự sáng tạo và tâm huyết của những cá nhân như dược sĩ Hồng Thắm, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của chương trình OCOP trong việc nâng cao giá trị nông sản Việt. Với chiến lược phát triển bền vững, kết hợp đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường quốc tế, Công ty Hygie & Panacee không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn đưa nông sản Việt Nam vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản thế giới.

Chương trình OCOP tại Cần Thơ không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân phát triển bền vững. Đây là nền tảng quan trọng để Cần Thơ tiếp tục xây dựng thương hiệu nông sản và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Tin khác

Phiên bản di động