Thứ năm 21/11/2024 19:02

Bước tiến trong quá trình tự chủ công nghệ hạ tầng mạng 5G của Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu thương mại các trạm gốc 5G Open RAN "Make in Vietnam" và được sản xuất bởi Viettel.
Viettel khai trương mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam Tập đoàn Viettel nói về giá và chất lượng mạng 5G sau 9 ngày thử nghiệm Sau 15 ngày ra mắt chính thức, đã có 3 triệu người sử dụng mạng 5G

Ngày 13/11, Viettel đã công bố triển khai thương mại diện rộng trạm phát sóng 5G Open RAN "Make in Vietnam, Made by Viettel". Đây là trạm phát sóng 5G Open RAN đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Qualcomm, do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu phát triển.

Viettel High Tech đã triển khai hơn 300 trạm gNodeB 8T8R và triển khai 10 trạm gNodeB 32T32R tại 4 tỉnh
Công nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu - Ảnh: Q.N

Việc công bố cũng là những bước đi đầu tiên trong quá trình tự chủ công nghệ hạ tầng mạng 5G của Việt Nam và tiến tới tham vọng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó tổng giám đốc Viettel High Tech khẳng định, việc tự chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh của Viettel, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong chiến lược quốc gia "Make in Vietnam".

Những trạm phát sóng đầu tiên được triển khai đã chứng minh được các ưu điểm của công nghệ Open RAN. Các chỉ số kỹ thuật về tốc độ Download, Upload, vùng phủ sóng, số lượng người dùng, độ tiêu hao năng lượng, cho thấy chất lượng của mạng Open RAN do Viettel phát triển đã đạt đến mức tương đương với những mạng 5G truyền thống, trong khi đó chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác tối ưu hơn. Đây là những yếu tố quan trọng để phổ cập hóa công nghệ 5G trên toàn quốc.

Nhận định về sự kiện trên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu thương mại các trạm gốc 5G Open RAN "Make in Vietnam" và được sản xuất bởi Viettel.

Theo ông Nghĩa, ngành viễn thông của Việt Nam đã chứng tỏ mình là một câu chuyện thành công đáng chú ý trong khu vực và tôi tin rằng, trên toàn thế giới. Vào năm 1999, chưa đến 0,2% dân số có quyền truy cập vào mạng di động.

25 năm sau, hơn 97% dân số đã có điện thoại di động, với độ phủ sóng mạng đạt 99,8% trên toàn Việt Nam. Ngày nay, chi phí sử dụng 1GB internet di động mỗi ngày ở Việt Nam chỉ khoảng 3,5 USD mỗi tháng, tức là khoảng 1% thu nhập trung bình hàng tháng, vượt xa mục tiêu mà ITU đặt ra là 2% thu nhập hàng tháng cho 1GB mỗi ngày.

Thiết bị viễn thông của Viettel và chipset của Qualcomm được giới thiệu nổi bật tại sự kiện “5G ORAN Vietnam Connect 2024”
Thiết bị viễn thông của Viettel và chipset của Qualcomm được giới thiệu nổi bật tại sự kiện “5G ORAN Vietnam Connect 2024” - Ảnh: Q.N

Đây là thành quả của nỗ lực không ngừng từ các nhà mạng viễn thông và sự thực thi chính sách từ chính phủ chúng ta. Với hạ tầng viễn thông như vậy, có vô vàn cơ hội để tiếp cận tri thức, cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới, và dĩ nhiên, để chuyển đổi số xã hội và nền kinh tế của chúng ta.

"Đến hôm nay chúng ta đánh dấu một cột mốc khác - lần đầu tiên giới thiệu thương mại các trạm gốc 5G OpenRAN. Đây là một thành tựu đáng kể đối với Viettel, ngành viễn thông của chúng ta, và cũng là của Việt Nam" - ông Nghĩa khẳng định.

Trước đây, 90% trạm gốc - tức là 90% trong số hơn 300.000 trạm gốc - ở Việt Nam do 3 nhà cung cấp: Nokia, Ericsson và Huawei đảm nhận. Rất khó để một nhà cung cấp mới tham gia. Điều đó không phải vì vấn đề tiêu chuẩn 4G; 3GPP đã phát hành nhiều tiêu chuẩn LTE và tất cả các nhà cung cấp đều có chứng nhận, nhưng chính khả năng tương tác đã khiến cho các nhà cung cấp mới khó gia nhập thị trường.

Lần này, Viettel đặt sản phẩm mới của mình dựa trên OpenRAN. OpenRAN đại diện cho một phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng trong ngành viễn thông, tạo ra một mạng truy cập vô tuyến mở, linh hoạt và không phụ thuộc vào một nhà cung cấp cụ thể. OpenRAN giúp tách biệt phần cứng và phần mềm, cho phép các nhà mạng sử dụng phần cứng chuẩn hóa và kết hợp các giải pháp phần mềm từ nhiều nhà cung cấp.

Theo đó, không chỉ gia tăng tính linh hoạt mà còn giảm sự phụ thuộc vào hệ sinh thái của một nhà cung cấp duy nhất. Điều này cũng rất phù hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam về chủ quyền và khả năng chống chịu trong mạng viễn thông.

Công nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai.

Theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 100 Mb/s cho mạng 5G. Đến 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Tin khác

Phiên bản di động