Xây dựng thương hiệu quốc gia từ nội lực đổi mới Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia kiên định giấc mơ đưa hàng Việt vươn ra thế giới Thương hiệu quốc gia: Giá trị không chỉ ở những con số |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam về tiềm năng của ngành vật liệu xây dựng, những đóng góp của các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia trong ngành trong việc góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới.
Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang đứng trước những tiềm năng, cơ hội và thách thức gì?
![]() |
Ông Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga |
Ông Thái Duy Sâm: Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Xu hướng đô thị hóa nhanh, nhu cầu xây dựng các công trình hiện đại, các khu đô thị thông minh, nhà ở xanh tại Việt Nam và trên thế giới đang mở ra không gian rộng lớn cho ngành.
Đặc biệt, thế giới đang ưu tiên vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải carbon. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang công nghệ sản xuất mới, đòi hỏi ít tài nguyên nhưng gia tăng giá trị. Nếu nắm bắt được xu thế này, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ có cơ hội tăng tốc, bứt phá.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam như gạch granite, gạch porcelain, kính xây dựng, sứ vệ sinh, đá nhân tạo... hiện đã xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng nằm trong nhóm những nước xuất khẩu xi măng hàng đầu thế giới, với sản lượng hàng chục triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, đi cùng tiềm năng là không ít thách thức. Sức tiêu thụ nội địa chưa thực sự ổn định, nhiều dự án bất động sản chậm triển khai. Ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ và chịu áp lực tiêu chuẩn cao từ các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Ngoài ra, vấn đề nội lực của doanh nghiệp cũng cần lưu ý. Đa phần doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính, trình độ công nghệ và quản trị còn hạn chế. Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu mạnh và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Như ông vừa chia sẻ, vấn đề nội lực của doanh nghiệp rất cần lưu ý. Vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia trong việc thúc đẩy thương hiệu Việt Nam ra thế giới?
Ông Thái Duy Sâm: Xuất khẩu vật liệu xây dựng là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của ngành. Những mặt hàng như xi măng clinker, kính xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu không chỉ gói gọn ở Đông Nam Á mà đã mở rộng ra châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông.
Những doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Đây là những đơn vị tiên phong, dẫn đầu về chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và chiến lược phát triển bền vững. Các thương hiệu lớn như Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen, Tôn Đông Á, Công ty CP Eurowindow Holding, Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin... đã không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà còn mang theo hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
![]() |
Sản phẩm của thương hiệu Secoin được trưng bày giới thiệu tại các hội chợ quốc tế và được khách hàng quốc tế đánh giá cao về sản phẩm "Made in Việt Nam" |
Thương hiệu Quốc gia giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh quốc tế. Những doanh nghiệp này cũng thường tiên phong trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội quốc tế – một điểm cộng rất lớn khi thâm nhập các thị trường cao cấp.
Chúng ta cần hiểu rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ là câu chuyện của từng doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh của cả ngành vật liệu xây dựng Việt Nam. Một thương hiệu mạnh không chỉ bán được sản phẩm, mà còn kéo theo những giá trị vô hình như uy tín, sự tin cậy và sự ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng quốc tế đối với sản phẩm "Made in Vietnam".
Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thương hiệu quốc gia và phát triển bền vững trong tương lai?
Ông Thái Duy Sâm: Để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần kiên định thực hiện các chiến lược dài hạn, dựa trên ba trụ cột chính: Chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.
Trước tiên, chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng các công nghệ mới như vật liệu nano, vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, cần xây dựng các hệ thống quản trị chất lượng theo chuẩn quốc tế như ISO, LEED.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo không chỉ ở sản phẩm mà còn ở mô hình kinh doanh, phương thức tiếp cận thị trường, dịch vụ hậu mãi... Những sáng tạo này sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường quốc tế.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tiên phong trong xu thế phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu đạo đức kinh doanh, mà còn là đòi hỏi từ thị trường. Sản phẩm xanh, quy trình sản xuất ít phát thải carbon, trách nhiệm xã hội tốt sẽ là những yếu tố quyết định trong tương lai.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tận dụng tốt các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia ra quốc tế. Tôi đánh giá cao những hoạt động như Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia vừa qua được Bộ Công Thương tổ chức - nơi không chỉ vinh danh những thương hiệu tiêu biểu mà còn tạo cơ hội kết nối, học hỏi và hợp tác toàn diện.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại quốc tế, bảo vệ thương hiệu Việt Nam trước các vụ việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chủ động vươn lên, không ỷ lại, không đi theo lối mòn.
Nếu thực hiện tốt những điều đó, tôi tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam không chỉ được biết đến như một trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng lớn của thế giới, mà còn như một quốc gia có những thương hiệu vật liệu xây dựng uy tín, đẳng cấp toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!