Doanh nghiệp cảng biển sớm chuyển đổi xanh Chuyển đổi xanh nhìn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp gỗ |
Chuyển đổi xanh – chìa khóa vàng cho tương lai bền vững
Đối với ngành dệt may Việt Nam, với vị thế là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và xu hướng tiêu dùng bền vững lên ngôi, việc chuyển đổi xanh trở thành yếu tố quyết định để ngành công nghiệp này duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận những kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những năm tới, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới và thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, môi trường và xã hội.
Ngành dệt may đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên ngành hàng này cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Xu hướng phát triển công nghiệp xanh đang là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu. Với sự cam kết hạn chế phát thải CO2 và hóa chất độc hại, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, ngành công nghiệp này đang hướng đến một tương lai bền vững hơn.
![]() |
Để chuyển đổi xanh, ngành dệt may cần đầu tư vào các dòng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng xanh hóa của ngành thời trang toàn cầu. Ảnh: Nguyễn Huyền |
Đối với ngành gỗ, thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), để chuẩn bị cho những quy định của của EUDR (Quy định của EU không gây mất rừng và suy thoái rừng), Hiệp hội cũng đang lập kế hoạch tổ chức các đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm gỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung và chuyển đổi xanh.
Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Do đó, Viforest khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trường xanh và tăng cường chuyển đổi số. Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.
Mục tiêu đầy tham vọng và những thách thức cần vượt qua
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 47- 48 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cũng như mục tiêu chuyển đổi xanh ngành dệt may Việt Nam. Song ngành dệt may đang vướng phải một số rào cản cần tháo gỡ.
Trong đó, rào cản liên quan đến chính sách thương mại của một số quốc gia và các thị trường nhập khẩu lớn. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, dự báo sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, điều này có thể tác động lớn đến ngành dệt may Việt Nam. Vấn đề nữa là thiếu hụt nguồn cung phục vụ cho sản xuất. Để chuyển đổi xanh, ngành dệt may cần đầu tư vào các dòng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng xanh hóa của ngành thời trang toàn cầu, như sợi tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường, và đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế. Bên cạnh đó, tài chính cho việc xanh hóa ngành dệt may cần được chú trọng. Các doanh nghiệp dệt may cần những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để có thể chủ động đầu tư và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Đối với nhận thức của doanh nghiệp trong việc chủ động đầu tư vào các giải pháp xanh và thực hiện các bước cần thiết để được cấp các chứng chỉ xanh, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của ngành dệt may trong quá trình phát triển bền vững. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cơ quan, bộ ngành và cộng đồng về sự phát triển xanh. Cần tăng cường truyền thông và giáo dục để nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của phát triển bền vững và xanh hóa trong ngành dệt may.
![]() |
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD. Ảnh: Phương Lan |
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Dù doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã và đang có nhiều dịch chuyển sang sản xuất xanh, song tại các thị trường chính, nhiều quy định liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ngày càng gần thời điểm hiệu lực. Các quy định bắt buộc tuân thủ khiến nhiều nhà nhập khẩu, người mua hàng tăng cường yêu cầu các nhà xuất khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình, đáp ứng các quy định, tiêu chí nghiêm ngặt.
Các quy định này bao gồm: Các cơ chế như yêu cầu về điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung, yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC), quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đặc biệt là Quy chế sản phẩm hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Gần đây, quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về 2 vụ kiện phạm vi và lẩn tránh thuế tủ gỗ cũng tác động đáng kể đến ngành gỗ trong thời gian tới.
Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt tích cực đầu tư vào các hoạt động quản lý rừng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới có tiềm năng tăng trưởng cao. Phát triển các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường quảng bá thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo dựng hình ảnh tích cực về chất lượng và tính bền vững.
Chuyển đổi xanh không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai. Bằng việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. |