Thái Bình: OCOP bứt phá ngoạn mục, khẳng định vị thế trên thị trường OCOP Thái Bình: Đa dạng kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm |
Thái Bình đang ghi dấu ấn đậm nét trong chương trình phát triển sản phẩm OCOP. Với sự tăng trưởng vượt bậc 29,67% so với mục tiêu đề ra, tỉnh đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Phát triển sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương
Theo đó, đến nay, Thái Bình đã có hơn 194 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt xa mục tiêu 150 sản phẩm vào năm 2025. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương.
Nhiều sản phẩm OCOP đã vươn ra khỏi địa bàn, chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn ở trong nước như: Bánh cáy, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi và chè lam của Công ty Thiên Đức (huyện Đông Hưng) đạt 4 sao.
![]() |
Sản phẩm bánh Cáy đặc trưng của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hoàng Dương |
Ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và thủy sản, đã có những đóng góp nổi bật vào thành công chung của chương trình OCOP. Nhờ lợi thế vùng biển, các sản phẩm trứng và thịt vịt biển của Hợp tác xã Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) đạt 4 sao; Mắm cáy Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) đạt 4 sao...đã khẳng định chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Điểm nhấn đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của các làng nghề truyền thống. Làng Keo, với Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, đã giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm độc đáo như lạc đỏ làng Keo và gạo nếp bể. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều thương hiệu địa phương đã định hình trong thói quen người tiêu dùng như: bánh đa Quỳnh Côi; bông hẹ Đồng Tâm; măng tây hữu cơ Quỳnh Phụ; gạo làng Giành, hay như các loại trà của Công ty An Thái Hưng…
Thành công của chương trình OCOP tại Thái Bình còn đến từ việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm một cách bài bản. Các sản phẩm OCOP được đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Việc phát triển sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và địa phương. Nông dân có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; các doanh nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể khẳng định, chương trình OCOP đã trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thái Bình. Việc đạt được những kết quả khả quan như hiện nay là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn của hướng đi này.
Chính sách hỗ trợ thêm sức sống cho chương trình OCOP
Để thúc đẩy mạnh mẽ chương trình OCOP, các địa phương tỉnh Thái Bình đã không ngừng đổi mới và nâng cao các chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, OCOP tại Thái Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình, các huyện trong tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đa dạng, tập trung vào hai lĩnh vực chính là tài chính và xúc tiến thương mại.
![]() |
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Hưng Hà tại lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình |
Tại huyện Tiền Hải, mỗi sản phẩm OCOP được hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng. Tại huyện Hưng Hà, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ đến 100 triệu đồng/sản phẩm, một con số rất cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Còn tại huyện Thái Thụy, từ năm 2021 đến năm 2023, huyện hỗ trợ Hợp tác xã, hộ gia đình tới 90 triệu đồng/sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa 60 triệu đồng/sản phẩm và không quá 3 sản phẩm/chủ thể; còn trong năm 2024, việc hỗ trợ các sản phẩm OCOP được lồng ghép trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Huyện Vũ Thư hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm 4 sao và 80 triệu đồng/sản phẩm 3 sao cho các xã chưa có sản phẩm OCOP.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, việc xây dựng sản phẩm OCOP trong tỉnh đã vượt các mục tiêu đề ra. Ngay trong năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 89 sản phẩm đăng ký tham gia. Dự kiến trong năm 2025, có khoảng 70 xã tham gia chương trình ý nghĩa này.
Song song với việc hỗ trợ về tài chính, các cơ quan chức năng của Thái Bình cũng hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó, phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn. Qua đó giúp nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để thực hiện tốt chương trình OCOP trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục tìm kiếm các kênh phân phối mới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của chương trình.
Có thể khẳng định, chương trình OCOP đã trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thái Bình. Việc đạt được những kết quả khả quan như hiện nay là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn của hướng đi này.
Với những nỗ lực không ngừng, chương trình OCOP tại Thái Bình hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới, góp phần đưa nông sản địa phương vươn xa và khẳng định vị thế trên thị trường.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 194 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 146 sản phẩm xếp hạng 3 sao của 137 chủ thể sản xuất (38 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 45 hộ kinh doanh). |