Thứ sáu 29/11/2024 15:31

Hàng Việt, thương hiệu Việt trong hành trình 'vươn vai vạn dặm'

Trong hành trình 'vươn vai vạn dặm' ra thế giới, với sự xuất hiện trên kệ siêu thị của các 'ông lớn, hai tiếng 'tự hào' hàng Việt hiện diện trong mỗi chúng ta.
Lan tỏa tình yêu hàng Việt Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cuộc vận động giúp thị trường trong nước là "bệ đỡ" vững chắc cho tăng trưởng Nâng cao vai trò CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thương hiệu Việt ngày càng được khẳng định mình

“Sau 9 tháng rà soát, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước), cao nhất từ trước đến nay”, con số được đưa ra Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất, đại diện Vinamilk đón nhận cúp Thương Hiệu Quốc Gia.
Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Điều hành Sản xuất, đại diện Vinamilk đón nhận cúp Thương Hiệu Quốc Gia.

Là thương hiệu sữa đứng thứ 6 toàn cầu, năm nay Vinamilk tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Đây cũng là năm thứ 16 liên tiếp Vinamilk giữ danh vị này. Hiện nay, thị trường xuất khẩu của Vinamilk rất rộng lớn. Từ 42 thị trường vào năm 2010 đến nay đã lên đến 62 thị trường ở cả 5 châu lục. Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong việc đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn tầm quốc tế.

"Vinamilk hướng đến việc làm sao để người tiêu dùng quốc tế nhìn nhận sản phẩm, thương hiệu Việt Nam là sáng tạo, độc đáo và chất lượng", ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc điều hành sản xuất - đại diện Công ty chia sẻ.

Cùng với Vinamilk, Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang cũng đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách 190 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh. Đây là lần thứ 8 liên tiếp Điện Quang đạt Giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Thành tựu này khẳng định vị thế hàng đầu của Điện Quang trong ngành điện, điện tử và điều khiển thông minh, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan
Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Theo Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019 - 2022. Trong top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 thì viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỷ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...

Thời gian qua, hoạt động phát triển thương hiệu với nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ. Các thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Một trong những sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 có xe ôtô và xe máy điện của VinFast. Điều này phản ánh về xu hướng các sản phẩm thân thiện môi trường đang ngày càng được quan tâm và chú trọng”, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nói.

Và sức mạnh cộng hưởng từ các chương trình

Đáng chú ý, sự cộng hưởng của các chương trình, trong đó có chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần đưa hàng Việt, đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với tiêu dùng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên trường thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc tại sự kiện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc tại chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (Ảnh: Cấn Dũng)

Chia sẻ tại chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động diễn ra sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, thông qua Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.

“Hàng Việt trong hành trình và khát vọng 15 năm qua, trong tôi dâng trào niềm hạnh phúc khó tả”, ông Vũ Bá Phú chia sẻ và cho hay, với vai trò xúc tiến thương mại, từ những chủ trương, chiến lược về thương mại, xuất nhập khẩu đã được chúng tôi cụ thể hóa bằng những hành động để có thể nâng cao khả năng nhận biết của người tiêu dùng đối với hàng hóa, sản phẩm; kết nối được người sản xuất với người tiêu dùng; cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, xu hướng thị trường một cách kịp thời chính xác cho nhà sản xuất. Và trong 15 năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã đóng góp được rất nhiều trong hành trình khát vọng chinh phục của hàng Việt.

“Tôi còn nhớ vào những năm 2006 – 2007, khi dạo quanh thị trường, hàng Việt Nam mang thương hiệu Việt ở những siêu thị và ở chợ là rất hiếm. Buồn hơn nữa là khi đi ra nước ngoài chúng tôi hiếm khi tìm thấy hàng hóa made in Vietnam, chứ chưa nói đến hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Nhưng đến nay, tại thị trường trong nước, các nhà phân phối nước ngoài đã ưu tiên lựa chọn thương hiệu, hàng hóa Việt để bày bán trên quầy, kệ. Khi ra thị trường nước ngoài, hai tiếng ‘tự hào’ cứ nhẹ nhàng đến với chúng tôi. Bởi những sản phẩm thương hiệu Việt đã được hiện diện trên quầy kệ của các siêu thị Walmart, Cotsco, hay chuỗi siêu thị của người châu Á tại thị trường nước ngoài. Thậm chí, nhiều hàng hóa không phải của nhà sản xuất Việt Nam nhưng vẫn được mang thương hiệu Việt. Điều này cho thấy, hàng hóa của Việt Nam đã được ưa chuộng, yêu thích, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng”, ông Vũ Bá Phú nói.

Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan
Trái nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan. (Ảnh: Thy Thảo)

“Sau nhiều năm hàng Việt vươn mình ra thế giới, tất cả những hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới đều đã “cảm thấy hứng thú với hàng Việt” - ông Christian Merizalde Aguilar - Phụ trách chiến lược kinh doanh của Grupo Merica Food (một doanh nghiệp phân phối có văn phòng chính tại Tây Ban Nha) chia sẻ.

Hàng loạt “ông lớn” khác đều đưa ra những thông điệp cụ thể về sự lựa chọn hàng Việt cho hệ thống phân phối toàn thế giới của mình. Walmart, Carrefour, Fast Retailing… đều đã “đánh tiếng” sẽ tăng đáng kể tỉ trọng hàng Việt trong hệ thống phân phối của mình.

Có thể thấy, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Những kết quả đã và đang đạt được không chỉ khẳng định sự trưởng thành và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn minh chứng cho sự nỗ lực, sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và năng lực tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tin khác

Phiên bản di động