Xúc tiến thương mại, tạo 'cú huých' cho sản phẩm OCOP Chất lượng sản phẩm OCOP: 'Chìa khoá vàng' giữ thương hiệu Sản phẩm OCOP địa phương mang khát vọng vươn ra thế giới |
Khơi dậy nội lực, phát huy đặc sản địa phương
Được Chính phủ khởi xướng từ năm 2018, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không đơn thuần là một sáng kiến kinh tế, mà là một chiến lược phát triển toàn diện, tích hợp giữa văn hóa, xã hội và môi trường. Sau hơn nửa thập kỷ triển khai, OCOP đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng: Nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn bản sắc địa phương và tạo động lực cho khởi nghiệp tại nông thôn.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng hơn 4.000 sản phẩm so với năm 2022. Hơn 5.600 chủ thể, gồm hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể, đã tham gia chương trình, hình thành mạng lưới sản xuất – tiêu thụ rộng khắp.
Cốt lõi của OCOP là phát huy nội lực, dựa vào sáng tạo, tay nghề và tài nguyên bản địa của người dân. Khác với các mô hình dựa trên đầu tư ngoại lực, OCOP đặt trọng tâm vào việc giúp cộng đồng tự tạo ra sản phẩm đặc trưng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu vùng miền.
![]() |
Huyện Ba Vì (Hà Nội) nổi lên với các sản phẩm miến dong Minh Hồng, chè Ba Trại đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao. Ảnh: Hồng Thuỷ |
Hiệu quả kinh tế là thành quả dễ nhận thấy nhất. Giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 17%, hơn 50% sản phẩm có giá cao hơn trước khi được chứng nhận. Ở nhiều địa phương, OCOP đã thực sự tạo bước ngoặt. Như huyện Ba Vì (Hà Nội) nổi bật với sữa tươi, chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng không chỉ đạt tiêu chuẩn 3–4 sao mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Tạo sinh kế bền vững, hướng tới thương hiệu quốc gia
Chương trình OCOP không chỉ tăng thu nhập mà còn tạo sinh kế bền vững, giúp giữ chân người lao động tại địa phương điều mà nhiều chính sách trước đây chưa làm được. Tình trạng di cư khỏi nông thôn từng là vấn đề đau đầu, nhưng nhờ OCOP, hàng nghìn hộ dân có việc làm ổn định ngay tại quê hương: từ sản xuất nông nghiệp, chế biến, thương mại đến du lịch. Đặc biệt, 40% chủ thể OCOP là phụ nữ, 17% là người dân tộc thiểu số những nhóm yếu thế nay đã chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tuy nhiên, để OCOP phát triển sâu và bền vững, cần giải quyết những điểm nghẽn. Trước hết là nâng cao nhận thức của cộng đồng và chủ thể sản xuất. Khi người dân hiểu rõ lợi ích, họ mới chủ động sáng tạo, phát triển sản phẩm theo đúng tinh thần OCOP. Việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản trị sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại là rất cần thiết.
Tiếp theo là hoàn thiện chính sách hỗ trợ. Cần hệ thống chính sách tín dụng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại... đồng bộ và dễ tiếp cận. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn. OCOP không thể dừng lại ở đặc sản quê hương mà cần hướng tới tiêu chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa – từ bao bì, nhãn mác, đến truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh kết nối thị trường. Việc đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng nông sản sạch là chiến lược tất yếu. Cần tổ chức hội chợ, điểm trưng bày sản phẩm ở đô thị và điểm du lịch để quảng bá giá trị văn hóa vùng miền gắn với sản phẩm OCOP.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng coi trọng phát triển bền vững và giá trị bản địa, OCOP hoàn toàn có tiềm năng trở thành thương hiệu quốc gia – không chỉ ở sản phẩm, mà ở cả con người và tinh thần tự lực của người Việt. |