Công an Gia Lai làm việc với 'thần y' trị ung thư Công an tỉnh Gia Lai kiện toàn lại tổ chức bộ máy Người dân Gia Lai khóc ròng vì giá rau xanh rớt 'thê thảm' |
Mạng lưới chợ truyền thống giữ vai trò là đầu mối lưu thông hàng hóa, nơi cung cấp thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân. Song những năm gần đây, kinh doanh tại chợ truyền thống gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi khách hàng vào chợ mua sắm thưa vắng dần do sự phát triển của các hình thức bán lẻ hiện đại. Để tránh tụt hậu và bắt nhịp với nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Gia Lai đã nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bán hàng để thúc đẩy kinh doanh.
Bắt nhịp chuyển đổi số
Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã áp dụng số hóa trong các giao dịch thanh toán và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và mang lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua.
![]() |
Khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR |
Đối với bà Nguyễn Thị Lanh, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku), việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành việc làm thường nhật. 50% lượng khách đến với quầy hàng của bà đã sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi và đang được nhiều khách hàng lựa chọn trong giao dịch.
"Từ ngày áp dụng hình thức chuyển khoản, chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều trong buôn bán. Tiền nhỏ tiền lớn đều không sợ lầm lẫn, tiền vào tiền ra an toàn và đặc biệt là thuận lợi cho khách hàng" - bà Lanh chia sẻ.
![]() |
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến tại các khu chợ truyền thống |
Chợ Hoa Lư hiện có trên 100 tiểu thương đang buôn bán. Hai năm trở lại đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến, hầu hết các hộ tiểu thương đều đã có bảng quét QR để khách hàng thuận lợi thanh toán khi mua hàng.
Kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ đã nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Ngân cho biết: “Trước đây, khi mua bán, khách hàng có thể trả tiền mặt, nhiều lần không có tiền trả lại tiền thừa cho khách hàng, tôi phải đi đổi rất mất thời gian. Hoặc nếu khách chuyển khoản qua số tài khoản thì tôi phải đọc số tài khoản, tên ngân hàng nhưng hơn một năm nay tôi đã sử dụng bảng mã quét QR để khách hàng thuận tiện hơn khi thanh toán. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người mua và người bán, chính vì thế ngày càng nhiều khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt”.
![]() |
Các thanh niên tình nguyện tư vấn cho các tiểu thương trong chợ về việc sử dụng mã QR trong thanh toán |
Là khách hàng thường mua sắm tại chợ, bà Nguyễn Thị Giác chia sẻ: “Các quầy hàng có mã QR để thanh toán rất thuận lợi đối với người mua. Khi đi chợ, tôi không cần phải cầm tiền, lấy lại tiền thừa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, hợp vệ sinh và an toàn cho khách hàng”.
Đưa chợ truyền thống lên mạng xã hội
Thay vì ra chợ, nhiều người thích tìm kiếm và mua hàng trực tuyến. Trước thực trạng này, nhiều tiểu thương đã thay đổi, chuyển từ thụ động chờ người mua sang chủ động tìm kiếm khách hàng.
Việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh đã tạo điều kiện để tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức kinh doanh hiện đại, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Bài đăng bán hàng trên mạng xã hội Facebook của các hộ kinh doanh tại Chợ đêm Pleiku |
Thay vì chờ khách tới mua theo hình thức thông thường, 2 tháng nay, tiểu thương Nguyễn Thị Bích đã đăng bán các mặt hàng mình đang kinh doanh lên mạng xã hội facebook và nhận giao hàng tại khu vực gần. Theo bà Bích, số lượng khách hàng mua qua mạng gấp đôi số lượng khách tới mua trực tiếp.
"Theo xu hướng phát triển của công nghệ, chúng tôi cũng phải tự làm mới mình để bán hàng tốt hơn. Ngoài bán trực tiếp ở chợ, tôi thường xuyên đăng các mặt hàng trên trang facebook để khách hàng tham khảo. Lượng khách tương tác qua kênh này khá đông, có những khách hàng sẽ đặt mua luôn và cũng có những khách sẽ đến quầy xem hàng để chọn”, tiểu thương Nguyễn Thị Bích cho hay.
![]() |
UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai phối hợp với các ngân hàng đến tận chợ để hỗ trợ các hộ tiểu thương sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến |
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các ngân hàng đến tận chợ để hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng và cung cấp mã QR miễn phí cho tiểu thương, hướng dẫn các hộ tiểu thương sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến.
Hiện nay, hầu hết các tiểu thương tại chợ đã có bảng mã QR, thậm chí một quầy còn có 2 - 3 mã của các ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền với tiểu thương về công tác chuyển đổi số, mô hình chợ 4.0, phối hợp với các đơn vị để từng bước số hóa hoạt động kinh doanh, bắt kịp xu hướng số.
Nhờ nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh từ các chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời thế hiện nay. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu, góp phần đưa hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung ký Quyết định số 530/QĐ-UBND phê duyệt đề án Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025. Theo đó, đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tạo được chuyển biến rõ nét, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế số của tỉnh; là tiền đề, động lực thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. |