Sản xuất cà phê: Thích ứng với biến đổi khí hậu Hướng đến mô hình sản xuất cà phê bền vững Bước chuyển mạnh sang sản xuất cà phê bền vững, giá trị cao hơn |
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng cà phê toàn cầu trong năm 2024 đạt khoảng 10,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước.
Trong đó, 10 quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu đóng góp gần 90% tổng sản lượng. Đáng chú ý, Brazil và Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là hai nước sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm tổng cộng 55% thị phần toàn cầu.
Brazil là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chiếm 38% nguồn cung toàn cầu còn Việt Nam đứng thứ hai - chiếm 17%. Năm 2024, Brazil và Việt Nam có sản lượng lần lượt là 3,9 triệu tấn và 1,8 triệu tấn cà phê.
![]() |
Brazil và Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là hai nước sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm tổng cộng 55% thị phần toàn cầu. Ảnh: Shutterstock |
Brazil chủ yếu sản xuất cà phê arabica, trong khi Việt Nam chuyên về cà phê robusta, loại có khả năng chịu nhiệt tốt hơn. Colombia quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ ba là một trong số ít nước trên thế giới chỉ trồng cà phê arabica nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi.
Theo đó, thứ tự 10 quốc gia lần lượt là: Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia, Ethiopia, Uganda, India, Honduras, Peru, Mexico.
Bất chấp sự gia tăng sản lượng, thị trường cà phê năm 2024 lại chứng kiến những biến động mạnh về giá cả. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn gấp đôi do lo ngại về tình trạng hạn hán kéo dài tại Brazil – quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Các chuyên gia cảnh báo rằng hạn hán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ 2025, khiến nguồn cung cà phê toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, lượng tồn trữ cà phê trên toàn cầu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2018, góp phần làm gia tăng áp lực lên giá cả. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà rang xay cũng như người tiêu dùng, khi chi phí đầu vào cho sản xuất cà phê gia tăng đáng kể.
Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,48 tỷ USD, tăng 29,11% so với năm trước, dù khối lượng xuất khẩu giảm 18,8%. Nguyên nhân chính là do giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 4.151 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, với ba quốc gia đứng đầu gồm Đức, Ý và Tây Ban Nha. Ngoài ra, các thị trường như Mỹ và Nhật Bản cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam.
Theo dự báo, sản lượng cà phê robusta của Brazil trong niên vụ 2025/2026 có thể tăng lên 24,5 triệu bao (tương đương khoảng 1,47 triệu tấn), tăng đáng kể so với mức 21 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi đó, sản lượng của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng nhẹ, đạt 29 triệu bao (tương đương 1,74 triệu tấn) so với mức 28 triệu bao trong niên vụ 2024/2025.