Đánh giá sát khó khăn của khu vực tư nhân trong nước
Chính phủ vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![]() |
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định |
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định nhận định Chính phủ đã xây dựng kịch bản tăng trưởng 8% với nhiều nội dung cụ thể và mang tính vượt trội. Quốc hội rất quyết liệt trong việc nhanh chóng hoàn thiện các thể chế để tạo thành hành lang pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
"Như vậy, chúng ta có thể thấy được quyết tâm chính trị rất cao trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng không chỉ cho năm 2025 mà còn cho cả một giai đoạn tiếp theo" - đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh dù tiếp đà tăng trưởng GDP năm 2024 chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao hơn trong năm 2025.
Tuy nhiên, phân tích các trụ cột chính để tăng GDP, đầu tư công, sản xuất, xuất khẩu, sức mua tiêu dùng... cần nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì ngay trong tháng 1/2025 rất nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động và khả năng tiếp cận tín dụng vẫn còn thấp.
Đáng chú ý, diễn biến tình hình thế giới có những biến động khó lường, nguy cơ chiến tranh thương mại làm suy giảm sức mua của thị trường thế giới. Tất cả những nội dung này cộng với những đánh giá ở trong Đề án đã nêu đều sẽ tác động đến các trụ cột tăng trưởng GDP của chúng ta trong thời gian tới.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ần xem xét những vấn đề nêu trên, tính toán các kịch bản để đảm bảo tính khả thi của Đề án.
Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để nền kinh tế hấp thụ nhanh nguồn vốn ngay trong 6 tháng đầu năm, trong đó cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân.
Để làm được điều này, đại biểu kiến nghị cần đánh giá sát hơn những khó khăn hiện nay của khu vực tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.
Đồng thời, có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ngay trong những tháng đầu năm của năm 2025.
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng
Cũng theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và cả nước phải tập trung thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, vừa phải đảm bảo thực hiện được các công trình, dự án trọng điểm, vừa đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, chăm lo đời sống người dân, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... nên rất cần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư toàn xã hội.
![]() |
Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp - Ảnh minh họa |
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội nên xem xét đề xuất của Chính phủ về tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn năm trước và tăng tín dụng trong điều kiện lạm phát đạt mục tiêu dưới 5%.
Mặt khác, cần sử dụng công cụ tài chính và tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, có chính sách thúc đẩy thị trường du lịch và phục hồi nhanh thị trường bất động sản để tăng tổng cầu nền kinh tế.
Đại biểu đoàn Bình Định nhận định, đối với ngành du lịch thì hiện doanh thu từ du lịch vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nên cần có các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển phù hợp, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và xem đây là một nguồn thu rất lớn của quốc gia.
Bên cạnh đó, vai trò của các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng là rất quan trọng. Đại biểu đề nghị cần phải xác định rõ vai trò, vị trí cơ hội, trách nhiệm của các địa phương tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt, vươn lên, nhất là trong đầu tư công và sự bắt nhịp tham gia các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
"Không phải tỉnh nào cũng sẽ phát triển giống nhau mà mỗi địa phương, mỗi khu vực thì sẽ có những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế rất riêng có, vấn đề quan trọng là phải làm sao để đánh giá cho đúng, tạo cơ chế thuận lợi nhằm phát huy được sự vào cuộc thực sự của các địa phương, từ đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đất nước ta bước vào một thời kỳ phát triển thịnh vượng và bền vững" - đại biểu nêu.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định kiến nghị, cần đánh giá sát hơn những khó khăn hiện nay của khu vực tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới. |