Bánh cáy Thái Bình: 'Hạt ngọc' ẩm thực mang thương hiệu OCOP Xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP Thành phố Lai Châu trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 2024 |
OCOP Hà Nội: Sức sống mới cho làng nghề truyền thống
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo việc làm cho người dân, OCOP đã và đang mang đến những hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống của Thủ đô.
Xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, được biết đến là cái nôi của nghề mây tre đan, là một ví dụ điển hình. Với 54 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó riêng gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung đã có 23 sản phẩm, Phú Nghĩa đã khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực này. Ông Trung chia sẻ: “Từ khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm của chúng tôi đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề ra khắp cả nước và quốc tế”.
![]() |
Sản phẩm OCOP làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Cổng thông tin Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội |
Không chỉ có Chương Mỹ, nhiều huyện khác của Hà Nội cũng đạt được những thành tích đáng kể trong việc triển khai chương trình OCOP. Đan Phượng, với 105 sản phẩm OCOP được chứng nhận, đã đa dạng hóa các sản phẩm từ thực phẩm, đồ uống đến thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm này không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Với nỗ lực, quyết tâm cao, lũy kế từ 2019 đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm. Trong đó, tính riêng từ năm 2021 đến hết năm 2023, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm. Hiện nay, công việc đánh giá, công nhận sản phẩm năm 2024 đang được thực hiện với hơn 500 sản phẩm đăng ký. Dự kiến hết năm 2024, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra”.
Hướng tới mục tiêu mới
Hà Nội đang không ngừng nỗ gắng để chương trình OCOP trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, chương trình vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố, mặc dù số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đã tăng đáng kể, nhưng số lượng sản phẩm đạt 5 sao vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình vào chương trình cũng chưa thực sự đồng đều.
![]() |
Cây bưởi đường Quế Dương thu 1 tấn quả của bà Thu ở thôn Cát Nổi, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Đình Tường |
Để khắc phục những hạn chế này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Thành phố đặt mục tiêu khôi phục và phát triển các giống cây đặc sản, như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, nhằm tạo ra những sản phẩm OCOP độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại các khu vực có lợi thế về cảnh quan và văn hóa, nhằm tạo ra các tour du lịch trải nghiệm độc đáo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung vào việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử... Đồng thời, Sở cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để giúp sản phẩm OCOP tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng hơn.
Hơn nữa, để chương trình OCOP đạt được hiệu quả cao hơn, thì việc tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình OCOP, khuyến khích người dân tham gia sản xuất và tiêu dùng sản phẩm OCOP đặc biệt quan trọng. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Mở rộng các kênh phân phối, kết nối sản xuất với tiêu thụ, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiếp cận được nhiều thị trường hơn.
Việc đưa việc tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của các làng nghề, các nông sản đặc sản địa phương vào các trường học là một hướng đi đúng đắn. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của những sản phẩm truyền thống, từ đó có ý thức bảo tồn và phát triển.
Chương trình OCOP là một sáng kiến rất ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để chương trình đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, OCOP Hà Nội sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình, góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. |