Chứng nhận OCOP: Đưa đặc sản bánh cáy Thái Bình lên tầm cao mới Cơ sở bánh kẹo đặc sản Thái Bình tất bật dịp Tết |
Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP
Bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Đây là một món bánh ngọt với hương vị độc đáo, vị ngọt lành của nếp cái hoa vàng, chút béo ngậy của mỡ lợn, hương thơm dịu của mạch nha và vị cay nồng của gừng. Tên gọi “bánh cáy” cũng gắn liền với sự sáng tạo và đời sống dân gian.
Nguyên liệu để làm bánh cáy rất mộc mạc, gắn liền với nông nghiệp làng quê, bao gồm: Gạo nếp – nguyên liệu chính tạo nên phần vỏ và nhân bánh; gấc để nhuộm màu đỏ tự nhiên; quả dành dành để tạo màu vàng; mạch nha giúp bánh có vị ngọt dịu; vừng và lạc rang thêm phần thơm bùi; mứt dừa để tạo nhân; tinh dầu bưởi để tạo hương thơm đặc trưng. Đặc biệt, mỡ lợn được sơ chế kỹ càng, đóng vai trò quan trọng để tạo độ béo và giúp bánh không bị khô.
![]() |
Làm bánh cáy cần trải qua nhiều giai đoạn để có được hương vị ngọt, béo và bùi tự nhiên của các nguyên liệu được sử dụng. Ảnh: Hoàng Anh |
Một chiếc bánh cáy hoàn chỉnh phải đạt “ngũ sắc” (đỏ, vàng, xanh, trắng, đen) và “bát vị” (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo). Khi thưởng thức, người ăn có thể cảm nhận được sự hòa quyện của các vị và màu sắc, tạo nên trải nghiệm ẩm thực vừa mộc mạc, vừa tinh tế.
Trải qua thời gian, bánh cáy làng Nguyễn không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn trở thành một biểu tượng văn hóa của quê lúa Thái Bình. Từ những nguyên liệu đồng quê đơn giản, người dân nơi đây đã khéo léo tạo ra món bánh độc đáo, có sức hút đặc biệt, lưu giữ giá trị văn hóa qua nhiều thế hệ.
Ở Thái Bình, nhiều sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh cáy đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Đơn cử, bánh cáy Thiên Đức của xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022.
Ông Trần Văn Đức, chủ xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức, chia sẻ với truyền thông cho biết: “Chúng tôi đã có những chuyến đi xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường tại một số quốc gia ở Đông Nam Á, châu Á và châu Âu. Hiện nay, sản phẩm bánh cáy Thiên Đức không chỉ được phân phối rộng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước mà còn được gửi đến các đối tác nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi định hướng xuất khẩu sang Lào, Nhật Bản và Anh, mang hương vị bánh cáy truyền thống đến bạn bè quốc tế”.
Thành công của bánh cáy Thiên Đức là minh chứng cho tiềm năng lớn của đặc sản Thái Bình trong việc mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị văn hóa và kinh tế.
Đa dạng kênh phân phối sản phẩm OCOP
Để đưa nông sản Thái Bình vươn xa hơn nữa, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong khuôn khổ chương trình OCOP. Đây là chương trình nhằm phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp có lợi thế tại địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm thông qua các kênh truyền thông trực tuyến, hội chợ, và đặc biệt là các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Sàn Việt… Điều này không chỉ giúp sản phẩm tiếp cận tốt hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn gia tăng doanh số bán hàng một cách bền vững.
![]() |
Bánh cáy được sản xuất theo bí quyết truyền thống của làng Nguyễn. Ảnh: Phương Thúy |
Được biết, chiến lược phát triển bánh cáy còn gắn liền với du lịch địa phương. Chủ trương của địa phương hiện nay là kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch. Các sản phẩm OCOP không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách mà còn góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế.
Song song với đó, các cơ quan chức năng tỉnh và huyện cũng hỗ trợ người dân trong việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được khuyến khích để tạo sự bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị của bánh cáy.
Việc phát triển bánh cáy không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Qua đó, người dân không chỉ cải thiện thu nhập mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới sự phát triển bền vững.
Từ một món ăn dân dã của làng quê, bánh cáy Thái Bình đã dần khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Sự kết hợp giữa hương vị độc đáo, quy trình sản xuất truyền thống và chiến lược phát triển hiện đại đã giúp bánh cáy trở thành niềm tự hào của người dân Thái Bình.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, và những giá trị văn hóa trường tồn đã biến bánh cáy từ một món ăn quen thuộc của đồng quê trở thành một biểu tượng văn hóa ẩm thực, lan tỏa tinh hoa Việt Nam đến với thế giới.
Theo truyền thuyết, tên bánh bắt nguồn từ hình dáng những hạt nếp được nhuộm màu gấc đỏ, xắt nhỏ như hạt lựu, sau đó phơi khô, trông giống trứng con cáy – một loài cua nhỏ sống ở vùng đồng ruộng. Một cách giải thích khác lại cho rằng, khi bánh được dâng vua, vị ngọt bùi và chút cay của gừng đã khiến nhà vua cảm thấy thích thú. Khi được hỏi tên món bánh, người dâng bánh đã đáp rằng đó là “bánh cay”. Sau này, từ “bánh cay” được người dân đọc chệch thành “bánh cáy”. |